Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ký kết với Tập đoàn Lotte để đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại sân gôn của tập đoàn này |
Ngày 28/2, theo giờ VN, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc chính thức ký thỏa thuận sử dụng đất với Tập đoàn Lotte để triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại sân gôn do tập đoàn này sở hữu ở quận Seongju, phía Đông Nam Seoul. Động thái này khiến Trung Quốc tức giận, đe dọa sẽ tẩy chay các sản phẩm Hàn Quốc.
Đe dọa tẩy chay, cắt quan hệ
Reuters dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cho biết, việc triển khai có thể diễn ra vào tháng 8 năm nay. Người phát ngôn Moon Sang-gyun cũng cho biết, quân đội Hàn Quốc đã, đang và sẽ nỗ lực trấn an Trung Quốc về kế hoạch này.
Sở dĩ Trung Quốc phản đối việc triển khai THAAD vì lo ngại hệ thống radar mạnh mẽ sẽ bao trùm sang lãnh thổ Trung Quốc gây đe dọa an ninh và cho rằng, động thái này không có tác dụng xoa dịu căng thẳng với Triều Tiên.
Ngay sau thông báo từ Hàn Quốc, truyền thông Trung Quốc lập tức phản ứng dữ dội. Tờ Thời báo Hoàn cầu phiên bản tiếng Anh đề nghị, “xã hội Trung Quốc nên tự nguyện hợp tác để hạn chế các sản phẩm xuất khẩu giải trí và văn hóa Hàn Quốc sang Trung Quốc, thậm chí chặn luôn nếu cần thiết”. Còn tờ Thời báo Hoàn cầu phiên bản tiếng Trung kêu gọi bài trừ cả các sản phẩm điện thoại và ô tô Hàn Quốc.
Nhật báo Nhân dân Trung Quốc phiên bản quốc tế kêu gọi cân nhắc cắt quan hệ với Hàn Quốc. “Nếu THAAD thực sự được triển khai thì Trung Quốc - Hàn Quốc sẽ đối mặt với khả năng sớm muộn cũng bị cắt quan hệ ngoại giao”, Nhật báo Nhân dân viết.
Còn Tân Hoa Xã cho hay, Trung Quốc “không hoan nghênh kiểu công ty như Lotte” trong một bài bình luận cùng ngày. “Người tiêu dùng Trung Quốc hoàn toàn có thể nói không với kiểu công ty như Lotte và sản phẩm của họ khi động đến vấn đề an ninh quốc gia”, tờ báo này viết.
Xem thêm video:
Thiệt hại kinh tế
Nếu Hàn Quốc không thể thuyết phục Trung Quốc về kế hoạch THAAD, chắc chắn quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Hàn Quốc là đối tác thương mại thứ 3 của Trung Quốc còn Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Hàn Quốc với kim ngạch xuất khẩu lên tới 142 tỉ USD/năm - thông báo từ Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) cho biết.
Giáo sư Xã hội học tại Đại học Hàn Quốc, ông Ingyu Oh trao đổi với CNN: “Thương mại sẽ được dùng làm công cụ trừng phạt bất cứ nước nào có tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề khác với Trung Quốc”. “Thông điệp của Trung Quốc với Hàn Quốc là không được phép liên kết với quân đội Mỹ tới mức tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh Trung Quốc”, ông Oh nói.
Thời gian gần đây, nhiều lần Hàn Quốc nghi ngờ Trung Quốc ngấm ngầm dùng các biện pháp kinh tế để trả đũa nước này. Đầu tháng 2, Tập đoàn Lotte cho biết, Bắc Kinh dừng xây dựng dự án bất động sản trị giá hàng tỉ USD của họ tại Trung Quốc. Cùng tháng, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết, lượng khách du lịch Trung Quốc thăm đảo Jeju giảm 6,7% trong dịp Tết Nguyên đán, một phần vì “các biện pháp phản đối liên quan đến quyết định triển khai THAAD của Hàn Quốc”.
Hệ thống THAAD là gì, vì sao Trung Quốc phản đối? Theo CNN, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ bắn hạ các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung mà Triều Tiên đang tuyên bố sở hữu. Hoạt động tổng thể của THAAD giống như nhiều hệ thống tên lửa đất đối không, thiết bị đánh chặn tên lửa khác: Đầu tiên, radar có nhiệm vụ quét để phát hiện tên lửa đang phóng tới, sau đó những người giám sát hệ thống sẽ xác định các mối đe dọa từ tên lửa đó. Nếu mối đe dọa đủ nguy hiểm thì một bệ phóng gắn trên xe tải quân sự chuyên dụng sẽ bắn và phá hủy tên lửa đó ngay trên không trung nhờ sử dụng năng lượng động học. Khi quyết định sử dụng THAAD, Mỹ và Hàn Quốc khẳng định, ý đồ triển khai THAAD ở Hàn Quốc chỉ vì mục đích duy nhất là chống lại mối đe doạ từ Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc cực lực tỏ ra quan ngại vì hệ thống này có thể gây nguy hại cho lợi ích an ninh và quốc gia hợp pháp của Trung Quốc. Song, tờ Diplomat dẫn lời nhiều chuyên gia cho rằng, thực chất Trung Quốc lo ngại động thái này sẽ làm thay đổi cán cân ổn định chiến lược trên bán đảo Triều Tiên chuyển hướng sang có lợi cho Mỹ và tạo điều kiện cho Washington dễ dàng phát hiện, cảnh báo sớm và theo dõi các hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICMB) của Trung Quốc. B.T |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận