Bà Hillary Clinton khi còn là Thư ký Nhà Trắng và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì năm 2012. |
Theo dự kiến, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders có thể giành chiến thắng dễ dàng trước cựu Ngoại trưởng Clinton trong cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire cho vị trí ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ. Trong khi, hầu hết sự tập trung dành cho Donald Trump bên phía đảng Cộng hòa, thì điều mà Trung Nam Hải (trụ sở của Đảng Cộng sản và chính phủ) quan tâm lại là “cuộc chiến” Sanders- Clinton.
Chắc chắn, Bắc Kinh sẽ không bao giờ công khai sự “thiên vị” của mình dành cho bất kỳ ứng viên Tổng thống Mỹ nào. Nhưng ở Trung Quốc, cái tên Clinton không hề xa lạ. Song, Bắc Kinh tỏ ra dè dặt nếu có một giả thuyết “Nữ tổng thống Clinton” làm việc với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình – người đánh giá cao vai trò của mối quan hệ cá nhân trong nỗ lực ngoại giao.
Clinton từng có “thâm niên” quan hệ với Trung Quốc, từ thời còn là Đệ Nhất phu nhân Mỹ. Năm 1995, bà từng đưa ra một bài phát biểu rất sôi nổi về vấn đề nhân quyền ở Bắc Kinh tại Hội nghị của Liên Hợp quốc về phụ nữ, trong đó tuyên bố: “Các quyền của phụ nữ cũng là nhân quyền”.
14 năm sau, khi bà là một thành viên chủ chốt của nội các, Clinton từng tuyên bố trong cuốn “Biên niên Bộ Ngoại giao” rằng bà có một “ấn tượng tiêu cực lâu dài” về Trung Quốc.
Năm 2009, khi Hillary Clinton có chuyến đi đầu tiên tới châu Á trong vai trò là thư ký Nhà nước Mỹ, bà Clinton chia sẻ với các phóng viên rằng, áp lực của Mỹ vô cùng nặng nề khi “không thể can thiệp vào khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và khủng hoảng an ninh”, đồng nghĩa với việc bà sẽ “nhắm mắt làm ngơ” về vấn đề nhân quyền của Bắc Kinh để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc trên nhiều phương diện.
Chưa hết, năm 2010, khi Google công khai việc Trung Quốc đột nhập các tài khoản email của các nhà hoạt động nhân quyền, bà Clinton đã sử dụng chi tiết này để minh họa cho một bài phát biểu tầm cỡ về tự do internet. Về sự việc này, hãng thông tấn Nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho rằng, bài phát biểu của bà Clinton là “không ăn nhập với chủ đề”.
Tháng 10/2011, trong bản phác thảo các Chính sách chiến lược của Mỹ tại châu Á, bà Clinton đã đề cập đến vấn đề dân chủ và nhân quyền mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang duy trì. Những phát biểu của bà được cho là không có thiện chí đối với các nhà lãnh đạo đất nước rộng lớn này. Không chỉ có vậy, trong một bài viết đề cập tới chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương năm 2011, bà Clinton bày tỏ mối quan ngại về vai trò của Bắc Kinh – vốn đang đe dọa đến sự phát triển của khu vực năng động này.
Tại một diễn đàn về vấn đề Biển Đông năm 2010, Hillary Clinton từng nhấn mạnh, Washington không tham gia vào vấn đề tranh chấp chủ quyền hay đặt ra lợi ích của Mỹ ở Biển Đông, đồng thời tuyên bố nước Mỹ tôn trọng “lợi ích quốc gia về tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông”, và cho rằng chính sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc là bất hợp pháp.
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã giận dữ tới mức bỏ về sau khi nghe bà Clinton phát biểu. Ông nói: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ. Đó là một sự thật”.
Lập trường của bà Clinton về Biển Đông đã khiến các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng, chính bà chứ không phải Tổng thống Mỹ Barack Obama đứng sau quan điểm này. Đồng thời chính bà là người đã tạo ra tiền lệ khi đề cập tới vấn đề Biển Đông vốn vô cùng nóng bỏng tại các diễn đàn có sự tham gia của ASEAN và Trung Quốc.
Hơn nữa, bà Clinton dường như không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để chỉ trích Trung Quốc khi đến thăm một nước thứ ba, bài viết trên The Diplomat thẳng thắn nhận xét. Thậm chí, tờ China Daily còn thể hiện “ra mặt” quan điểm của Trung Quốc với cựu Ngoại trưởng Mỹ: “Clinton luôn nói giọng cực đoan mà không bao giờ quan tâm tới câu trả lời mà bà nhận được. Trung Quốc luôn tin rằng nên thay thế bà ấy, ông Kerry (đương kim ngoại trưởng Mỹ John Kerry) hiểu được bản chất thực sự của thế giới thế kỷ XXI”.
Có thể nói, Bắc Kinh không quá quan tâm tới cá nhân một ứng viên Tổng thống Mỹ nào, bởi vấn đề hàng đầu họ quan tâm là việc chính sách đối ngoại của vị Tổng thống ấy đối với Trung Quốc. Ví dụ, Donald Trump tuyên bố sẽ đánh thuế 45% với hàng hóa Trung Quốc nếu trở thành Tổng thống.
Thế nhưng, có một sự thật rằng Trung Quốc biết chính xác những gì quốc gia này sẽ nhận được nếu Hillary Clinton trở thành Tổng thống Mỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận