Ghi nhận của PV Báo Giao thông, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn. Điều đó phần nào tác động trực tiếp đến kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như lắp đặt camera trên phương tiện kinh doanh vận tải. Vì vậy, tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ các phương tiện đã lắp đặt camera theo quy định rất thấp.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, có gần 200 nghìn phương tiện thuộc đối tượng phải lắp camera giám sát.
Trong đó, xe khách có sức chứa từ 9 chỗ là hơn 116 nghìn xe; xe vận tải hàng hóa bằng container, đầu kéo hơn 83 nghìn xe.
Việc thực hiện lắp camera trên xe kinh doanh vận tải đúng lộ trình tại Nghị định 10/2020 là yêu cầu bắt buộc - Ảnh minh họa
Tuy nhiên, ông Huyện cho biết, theo báo cáo của các Sở GTVT, đến hết ngày 10/9 mới có gần 15.500 xe đã lắp camera, đạt tỷ lệ 7,5%.
Một số địa phương có tỷ lệ phương tiện lắp đặt cao như: Nghệ An hơn 58%, Thanh Hóa hơn 52%, Quảng Ngãi hơn 40%. Còn lại hầu hết các tỉnh có tỷ lệ phương tiện lắp đạt dưới 20%.
Nguyên nhân ông Huyện đưa ra là do các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhất là trong đợt bùng phát lần thứ 4.
"Vận tải hành khách bị gián đoạn, có thời gian bị dừng hoạt động kéo dài. Hoặc được phép hoạt động nhưng để phòng chống dịch chỉ được chở 50% sức chứa của phương tiện. Số lượng hành khách giảm sút khiến doanh thu, sản lượng giảm nghiêm trọng, trong khi chi phí tăng do phải trang bị phòng chống dịch", ông Huyện nói.
Giám đốc một doanh nghiệp có hàng chục xe chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng cho biết, gần như toàn bộ xe của doanh nghiệp đã dừng hoạt động do Covid-19 từ khoảng tháng 4/2021 đến nay. Tiền trả trả lãi ngân hàng còn không đủ, lái xe cũng đã nghỉ gần hết. Do vậy, không đủ khả năng để lắp đặt thêm camera. Đơn vị này bày tỏ mong muốn được gia hạn thêm thời gian lắp đặt.
Chia sẻ thêm với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN - đại diện các doanh nghiệp vận tải cho biết, có khoảng trên 90% doanh nghiệp kinh doanh vận tải (trong tổng số khoảng hơn 57 nghìn doanh nghiệp với gần 200 nghìn xe thuộc diện phải lắp camera có vay vốn ngân hàng đầu tư phương tiện. Dịch bệnh khiến họ không có doanh thu để chi trả tiền lãi ngân hàng, lương lái xe, đóng bảo hiểm, nộp các khoản thuế... Nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị phá sản.
Nghị định 10 quy định: Trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
“Cùng với khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cũng có nguyên nhân một số doanh nghiệp vận tải e ngại chưa muốn lắp camera do tâm lý sợ bị các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát và xử lý đối với các vi phạm được truyền về Tổng cục Đường bộ VN”, ông Quyền cho hay.
Tìm hiểu của PV, theo tiến độ hiện tại, việc thực hiện quy định lắp camera giám sát theo Nghị định 10/2020 khó đảm bảo tiến độ theo quy định tại Nghị định.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, thời gian qua đã có một số Sở GTVT, Hiệp hội vận tải và doanh nghiệp đề nghị cho phép lùi thời hạn lắp camera hoặc tạm hoãn thời gian chưa xử lý vi phạm đối với hành vi chưa lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Tại cuộc họp mới đây, lưu ý các tỉnh, thành phố thực hiện Nghị định 10/2020 của Chính phủ trong việc lắp đặt camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh cho rằng, Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn xử phạt phương tiện vận tải chưa lắp camera giám sát đến 31/12/2021.
“Để đảm bảo ATGT, phòng chống dịch bệnh, các tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng phải yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm việc lắp đặt camera theo quy định”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Huyện, tới đây, Tổng cục Đường bộ VN sẽ đôn đốc các doanh nghiệp vận tải thực hiện lắp camera giám sát đúng quy định. Đồng thời, đơn vị này sẽ thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra các địa phương có số lượng phương tiện phải lắp camera lớn đảm bảo thực hiện theo đúng lộ trình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận