Taxi tại Nhật vẫn giữ được lòng tin của hành khách địa phương |
Sự thận trọng của người Nhật
Nhật Bản là nước có nhiều thành phố siêu lớn như Tokyo và lượng khách hàng giàu có rất dồi dào nên được đánh giá là thị trường béo bở cho Uber nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Một trong những lý do chính là hệ thống taxi nội địa của Nhật đã quá ưu việt.
Năm 2015, doanh thu của thị trường taxi quốc gia là 1,73 nghìn tỉ yên (tương đương 15,2 tỉ USD), theo số liệu từ Bộ Giao thông Nhật Bản. Riêng Thủ đô Tokyo có hơn 50 nghìn xe taxi, dễ nhận biết với “ngoại hình” bóng loáng, hoàn hảo, cửa mở tự động cho phép khách hàng lên xe nhanh chóng, thuận tiện.
Nếu như ở các nước khác, việc gọi taxi khá khó khăn, phải chờ đợi lâu thì thời gian gọi taxi tại các thành phố lớn của Nhật hiếm khi quá vài giây. Một nguyên nhân khác khiến người Nhật không muốn thay đổi sang hình thức gọi xe mới vì người dân nơi đây không thích mạo hiểm, ngại rủi ro.
“Họ khá nghiêm khắc trong khi đánh giá chất lượng dịch vụ”, ông Ichiro Kawanabe, Giám đốc điều hành (CEO) Công ty Nihon Kotsu - công ty taxi lớn ở Tokyo, thành lập từ năm 1928 cho biết.
Vậy nên, khi Uber tìm đường vào thị trường này một cách khá bừa bãi, chẳng ai muốn đón nhận - ông Kawanabe, cũng là Chủ tịch Liên đoàn Taxi Nhật cho biết.
Ngoài ra, chính quyền Nhật đánh giá Uber đang hoạt động trái ngược với luật pháp địa phương, đó là cấm khai thác taxi mà không có giấy phép. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật cũng lo ngại về vấn đề an toàn. “Khi tai nạn xảy ra, Uber không chịu trách nhiệm và lấy lý do họ chỉ là nhà cung cấp nền tảng để gọi xe. Có thể những thành phố khác chấp nhận nhưng Nhật Bản thì không”.
Nhận thấy Nhật Bản là thị trường “khó nhằn”, Uber đã và đang tìm cách lách vào sân chơi béo bở tiềm năng này qua một tuyến đường khác, thành lập một dịch vụ chia sẻ ô tô thử nghiệm năm 2015 tại thành phố phía Tây Fukuoka.
Uber kêu ca rằng họ đã thực hiện một nghiên cứu về nhu cầu của cộng đồng địa phương nhưng giới chức lập tức chặn đứng vì cho rằng, đây là dịch vụ taxi không giấy phép hoạt động và bộc lộ nhiều vấn đề đáng ngại về an toàn. Phản ứng trước những lo ngại này, người đại diện Uber cho biết, ưu tiên của công ty tại Nhật là “hợp tác với các công ty taxi để các tài xế có giấy phép hoạt động, sử dụng ứng dụng Uber và kết nối với người dùng”.
Công ty Mỹ đã bắt đầu một hệ thống thử nghiệm khác tại hai thị trấn nhỏ của Nhật cho phép người cao tuổi tại đây có thể kết nối với các tài xế qua ứng dụng Uber để tìm người sẵn sàng chở họ đi lại. Với thử nghiệm này, giới chức Nhật không phản đối hay dẹp bỏ vì nó đánh trúng vào lỗ hổng thiếu phương tiện đi lại và taxi trong các khu vực này, nhất là trong bối cảnh dân số tại đây đang già hóa, việc đi lại rất khó khăn.
Góp phần lay chuyển tư tưởng bảo thủ
Dù vậy, sự xuất hiện của Uber trên thị trường Nhật cũng góp phần lay chuyển sự bảo thủ trong ngành taxi nước này. Bản thân ông Kawanabe, được mệnh danh là “hoàng tử taxi” của xứ sở hoa anh đào cũng thừa nhận như vậy. Thực tế cho thấy, dù là nước có công nghệ, khoa học kỹ thuật phát triển, nhưng chỉ có 10% người Tokyo gọi taxi qua ứng dụng điện thoại.
Chưa đầy một nửa số taxi tại Nhật có kết nối với điện thoại di động. “Họ vẫn sử dụng những loại điện thoại với tính năng cũ chứ không chạy theo điện thoại thông minh. Chúng tôi (các nhà khai thác taxi) và các công ty điều hành ứng dụng rất khó khăn khi phải thuyết phục người dân sử dụng ứng dụng thông minh”, ông Kawanabe nói.
Cũng vì chủ nghĩa bảo thủ này cộng với sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng ngày càng vượt trội, lượng khách đi taxi từ năm 2005 - 2015 đã giảm khoảng 1/3 - số liệu từ Bộ Giao thông Nhật Bản cho biết. Hai năm trở lại đây, taxi tại Nhật bắt đầu thay đổi để thu hút khách với nhiều chính sách như giảm giá những chuyến ngắn.
“Tôi phải mất tới hai năm để thuyết phục họ giảm giá taxi. Để thay đổi ngành công nghiệp này, vẫn còn rất nhiều việc khác phải làm”, ông Kawanabe nói.
“Hoàng tử taxi” đã thành lập một công ty khởi nghiệp được gọi là JapanTaxi để phát triển các ứng dụng có thể kết nối tài xế với khách hàng và ra mắt ứng dụng chia sẻ ô tô mới trong năm tới để giảm chi phí đi lại.
Song, mặt trận ứng dụng tại Nhật hứa hẹn sẽ cạnh tranh khốc liệt khi nhà phát triển ứng dụng Trung Quốc Didi Chuxing bắt đầu hoạt động tại Nhật vào năm sau, hợp tác với một công ty taxi địa phương. Trong khi Uber đang mong chờ khoản đầu tư kếch xù từ công ty truyền thông của Nhật Softbank.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận