Đây là kế hoạch của United Airlines nhằm chuẩn bị trước cho kịch bản thiếu hụt nhân sự phi công trong tương lai. Tại sao những công việc khác có thể được lấp vị trí chỉ bằng một thông báo tuyển nhân viên trong vòng vài ba tuần thì công tác tuyển dụng phi công lại tốn thời gian đến vậy?
Gần 12.500 phi công sắp đến tuổi nghỉ hưu
United Airlines ước tính, gần một nửa trong số 12.500 phi công của hãng sẽ nghỉ hưu trong 10 năm tới và dự kiến cần tuyển 10.000 nhân viên trong cùng kỳ để tiếp tục duy trì tốc độ phát triển.
Trước United Airlines, tập đoàn chế tạo máy bay Boeing ước tính, các hãng hàng không trên thế giới cần tới 645.000 phi công trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2038 trong đó riêng tại khu vực Bắc Mỹ cần 212.000 nhân sự.
Theo ông Bryan Quigley, Phó chủ tịch Cấp cao về hoạt động bay của United Airlines, vấn đề thiếu hụt nhân viên gây ra tác động nhỏ đối với một số hãng hàng không chuyên bay khu vực, khiến các hãng hàng này không thể thực hiện và mở nhiều tuyến bay tương đương với khả năng của họ và cho biết thêm.
Chủ tịch và Giám đốc điều hành (CEO) Hiệp hội Hàng không Khu vực Faye Malarkey Black cũng đồng ý với nhận định này và cho biết, một số hãng hàng không trong phân khúc chặng ngắn đã phải cắt giảm số chuyến bay trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2017.
Mặc dù việc thiếu hụt nhân sự là chuyện của hơn chục năm nữa nhưng các hãng hàng không lại rốt ráo tuyển dụng ngay từ bây giờ. Theo thông báo cuối tuần trước từ “ông lớn” trong ngành hàng không của Mỹ, United Airlines sẽ đưa ra đề nghị việc làm có điều kiện đối với các ứng viên tham gia vào một chương trình đặc biệt để nâng cao kinh nghiệm trong thời gian đào tạo và trải nghiệm nghề nghiệp sớm tại các hãng hàng không nhỏ.
Phi công có thể chuyển sang hoạt động chính tại United Airlines sau thời hạn tối thiểu 24 tháng và 2.000 giờ làm việc tại một hãng hàng không khu vực.
Ông Bryan Quigley, Phó chủ tịch Cấp cao về hoạt động bay của United Airlines cho biết, ngoài ra United Airlines còn cân nhắc thêm một số sáng kiến khác như đảm bảo hoặc miễn nợ học phí cho một số nhân viên. Bởi một trong những rào cản lớn nhất cản trở sinh viên tham gia vào ngành nghề đó chính là chi phí lấy bằng.
Ngoài United Airlines, Delta Air Lines cũng vừa công bố chương trình mời những nhân viên không phải phi công của mình nghỉ việc không lương sau đó tham gia đào tạo tại trường bay đồng thời đưa ra đề nghị việc làm có điều kiện cho các sinh viên đại học.
Nhiều hãng hàng không khu vực phục vụ các tuyến ngắn đã tăng thêm nhiều khoản thưởng cho phi công để thu hút ứng viên.
Mất 13 năm vẫn không tuyển đủ phi công
Việc các hãng hàng không Mỹ lại tính trước việc tuyển dụng sớm đến như vậy là bởi kể từ khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố cướp máy bay ngày 11/9/2001 và trong quá trình suy thoái, số lượng phi công đã rất khan hiếm. Chưa kể, chi phí lấy bằng phi công cũng như các loại phí đào tạo khác có thể lên tới 80.000 USD.
Thời gian để được làm việc tại một hãng hàng không thương mại cũng rất lâu. Để đảm bảo an toàn, Mỹ đưa ra quy định rất nghiêm khắc, đòi hỏi phi công phải có 1.500 giờ bay, chỉ áp miễn trừ với một số sinh viên và quân đội.
Đó chính là lý do việc chuẩn bị trước cả chục năm cũng không phải là quá sớm. “Thực tế hãng American Airlines đã mất tới 13 năm mà không thể tuyển đủ phi công”, ông David Tatum, Giám đốc Phát triển và Tuyển dụng phi công của hãng này cho biết và thậm chí, ông gọi đó là “thập kỷ mất mát”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận