Sau phun, vẫn còn muỗi SXH không phải do chất lượng thuốc |
Tại cuộc họp về tình hình dịch bệnh chiều ngày 25/8, trả lời câu hỏi “sau phun tại sao vẫn còn nhiều muỗi, liệu có phải do chất lượng thuốc diệt muỗi có vấn đề?”, ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, không phải do chất lượng thuốc diệt muỗi. Theo đánh giá độc lập về hoạt động “dập dịch” ở HN của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong khoảng thời gian từ 14-21/8 tại 3 khu vực được xác định ổ dịch trọng điểm, thì chỉ số muỗi trưởng thành sau phun thuốc diệt muỗi đều về 0, tuy nhiên, các chỉ số về bọ gậy lại chỉ giảm như vẫn tồn tại. Cụ thể như tại khu vực Thịnh Liệt, chỉ số bọ gậy trước phun 26, sau phun còn 12; tương tự ở Thanh Lương 40 – 30… Kết quả này cũng tương ứng với đánh giá của Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương khảo sát tại các trọng điểm dịch SXH khác trên địa bàn Hà Nội.
“Chính vì vậy hiệu lực của thuốc là tốt, nhưng do bọ gậy không hết lại nảy nở muỗi… Việc phun chỉ diệt trong thời hạn ngắn, quan trọng phải diệt được bọ gậy, nếu không bọ gậy già ngày có thể nở ngay ra chỉ sau vài giờ sau phun thuốc”, ông Dương khẳng định.
Ông Dương cho biết thêm, loại thuốc hiện dùng là loại thuốc gần như đầu bảng của WHO. Loại này đã được kiểm tra đánh giá đầy đủ hiệu lực và tính an toàn. Đồng thời cách phun sương diệt muỗi SXH như hiện nay là phương pháp chuẩn xác, đẩy mạnh hiệu lực diệt muỗi SXH.
Giải thích thêm về nguyên nhân khiến sau phun thuốc vẫn xuất hiện muỗi, đại diện Viện Ký sinh trùng cho rằng, nếu phun diện hẹp từng hộ gia đình thì muỗi SXH có thể từ nơi khác tràn đến, bởi thuốc phun chỉ có tác dụng trong 1 giờ đồng hồ. Bên cạnh đó, thời tiết thất thường như hiện nay sẽ khiến xuất hiện nhiều ổ bọ gậy có khả năng phát triển thành muỗi SXH.
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tính từ đầu năm hơn 100.417 mắc với hơn 84 nghìn nhập viện và 26 ca tử vong. Tăng so với cùng kỳ năm trước 47%, bắt đầu từ tuần 20, tăng sớm hơn so với năm 2016. Miền Bắc, miền Nam cùng tăng mạnh, Tây nguyên giảm. Riêng tại Hà Nội, số mắc vượt quá 20 nghìn ca. Hiện có xu hướng giảm ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu giấy, nhưng lại tăng ở ngoại thành như Hà Đông, Thanh Trì, Nam Tư Liêm, Thanh Oai… Tình hình thời tiết như hiện nay vẫn cần đề phòng, không chủ quan.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện các ca bệnh SXH vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Riêng Hà Nội cần tập trung ở các khu giáp ranh. Đặc biệt với các địa phương có lao động mắc bệnh từ HN dễ là nguồn lây nhiễm ổ dịch.
Cũng cần lưu ý, Hà Nội đứng đầu cả nước về có số mắc và tử vong. Việc kiểm soát khó khăn. Hà Nội cần lưu ý mùa nhập trường, phải chạy đua với thời gian để đảm bảo không có ổ dịch tại các trường học. Hà Nội cần kiên quyết không để mắc đối với các trường học. Do vậy nếu không quyết liệt sẽ rất khó khăn để kiểm soát.
“Bên cạnh dịch SXH, chúng ta cũng tiếp tục đối mặt với dịch tay chân miệng và một số dịch khác như H7N9 ở vùng giáp biên…. Do vậy đồng thời tăng cường phòng chống cùng lúc nhiều dịch bệnh”, ông Long lưu ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận