Sáng 23/1, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cấp cao tại Hà Nội nêu quan điểm giải quyết theo trình tự phúc thẩm đối với 18 bị cáo có kháng cáo trong vụ sản xuất, tiêu thụ hàng triệu cuốn sách giả liên quan nhóm cựu cán bộ quản lý thị trường (QLTT).
Kiểm sát viên cho biết trong 36 bị cáo của vụ án, ông Trần Hùng (cựu Tổ trưởng Tổ 304 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường) kêu oan và cho rằng mình không nhận hối lộ 300 triệu đồng. 17 người còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Đối với kháng cáo kêu oan của ông Trần Hùng, đại diện VKS căn cứ toàn bộ hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa xác định, bị cáo đã có hành vi nhận hối lộ từ nhóm sản xuất, buôn bán sách giả.
Nhận thấy tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt ông Trần Hùng 9 năm tù là có căn cứ, VKS cấp phúc thẩm đề nghị bác kháng cáo của ông Hùng và tuyên y án mức này về tội nhận hối lộ.
Với kháng cáo xin giảm án của bà Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát), đại diện VKS nêu rõ, bị cáo Thuận giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, buôn bán sách giả và chỉ đạo một số bị cáo khác thực hiện hành vi.
Năm 2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội QLTT số 17 kiểm tra, thu hơn 27.300 quyển sách giáo khoa do không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Khi biết ông Hùng là người trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra, bà Thuận đã thông qua người môi giới Nguyễn Duy Hải đưa hối lộ cho ông Hùng 300 triệu đồng.
Theo VKS, quá trình tố tụng ở giai đoạn sơ thẩm, bị cáo Thuận khai báo thành khẩn và tích cực khắc phục hậu quả.
Đến phiên tòa phúc thẩm, nữ bị cáo cung cấp thêm tình tiết mới, trong đó có tài liệu thể hiện việc khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Đây là tình tiết mới nên VKS thấy có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo của bà Thuận.
Từ đó, VKS đề nghị giảm án cho Cao Thị Minh Thuận, từ 10 năm còn 8 năm tù về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Đối với kháng cáo xin giảm án của những bị cáo còn lại, trong có có cựu cán bộ Đội QLTT số 17 Lê Việt Phương, kiểm sát viên đánh giá người này thừa nhận hành vi, ăn năn hối cải và có nhân thân tốt.
Bên cạnh đó, bị cáo Phương khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Khi xét xử phúc thẩm, Phương cung cấp thêm tình tiết mới về việc bị cáo có công phát hiện đối tượng có hành vi gắn chip gian lận xăng dầu, đối tượng này sau đó đã bị khởi tố điều tra.
Từ đó, VKS nhìn nhận mức án tòa sơ thẩm tuyên Lê Việt Phương 30 tháng tù là phù hợp và có căn cứ chấp nhận cho bị cáo được hưởng án treo về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ngoài ra, đại diện VKS đề nghị giảm hình phạt tù cho 9 bị cáo khác và đề nghị bác kháng cáo của 6 người về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Trước đó, trong phiên xét hỏi chiều 22/1, ông Trần Hùng nhiều lần khẳng định mình bị oan khi bị cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng từ Cao Thị Minh Thuận. Theo ông Hùng, ông không chỉ đạo nhóm cựu cán bộ Lê Việt Phương xử lý nhẹ đối với hành vi in lậu sách của Thuận.
Ngoài ra, ông Trần Hùng khẳng định trong suốt 10 năm công tác, không có bất kỳ cá nhân nào sản xuất, kinh doanh hàng giả mua chuộc được ông Hùng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận