Kế hoạch chi 3,7 tỷ USD mua thêm 50 tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines có vẻ không bị ảnh hưởng bởi những tác động chưa từng có của dịch Covid-19 đến ngành hàng không...
Đội tàu chủ lực, mang lại hiệu quả lớn nhất
Hơn một năm trước, trên cơ sở dự báo thị trường, các mục tiêu về thị phần, Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch đầu tư 50 tàu bay thân hẹp.
Kế hoạch này được xây dựng căn cứ trên kịch bản dự báo thấp nhất trong 3 kịch bản được hãng này đưa ra. Theo đó, dự kiến đến năm 2025, Vietnam Airlines cần khoảng 135 - 149 tàu bay. Trong số này, đội tàu bay thân rộng của Vietnam Airlines là 34 - 37 tàu (cần bổ sung 1 - 4 tàu so với các tàu bay đã thuê mua), đội tàu bay thân hẹp cần 95 - 120 tàu (bổ sung 50 - 75 tàu), đội tàu bay phản lực khu vực là 6 - 20 tàu.
Thông tin riêng về đội tàu bay thân hẹp, đại diện Vietnam Airlines cho hay, đây là đội tàu bay chủ lực, mang lại hiệu quả lớn nhất cho Vietnam Airlines, hoạt động trong mạng bay nội địa và các đường bay quốc tế có thời gian bay dưới 5 giờ.
Theo kế hoạch, hãng sẽ tiếp nhận các tàu bay A321 NEO thuê, trả các tàu bay A321 CEO thuê và dự kiến bán các tàu bay A321 CEO sau khi khai thác quá 12 năm.
Với việc tái cơ cấu đội tàu bay như trên, dự kiến số tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines sẽ giảm từ 71 tàu của năm 2021 còn 45 tàu cho tới năm 2025. Do đó, việc bổ sung thêm 50 tàu bay thân hẹp để đạt mức 95 tàu theo nhu cầu dự kiến là cần thiết.
Lý giải vấn đề này, Kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền cho rằng, việc đặt mua quy mô lớn sẽ giúp Vietnam Airlines có nhiều lợi thế đàm phán về giá cũng như có thêm nhiều ưu đãi về các điều kiện hỗ trợ sau mua như: Bảo dưỡng kỹ thuật, phụ tùng vật tư, quảng cáo...
Tổng chi phí mà Vietnam Airlines dự kiến phải bỏ ra để chi trả cho 50 tàu này lên tới 3,7 tỷ USD. Đáng lưu ý, theo ông Hiền, con số này được tính toán trên cơ sở chào giá của Boeing và Airbus chứ không phải giá công bố (có thể lên tới 6,5 - 7 tỷ USD).
Đón đầu xu thế phục hồi sau dịch
Hiện tại, Vietnam Airlines đã nộp hồ sơ xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư máy bay lên Sở KH&ĐT Hà Nội theo quy định tại Luật Đầu tư. Sở này cũng đã gửi công văn tới các cơ quan chức năng lấy ý kiến thẩm định.
Phản hồi Sở KH&ĐT Hà Nội, từ cuối 2019, Bộ GTVT đã có văn bản khẳng định dự án sẽ không gây áp lực lớn, đột ngột lên hệ thống hạ tầng cảng hàng không, năng lực quản lý của Bộ GTVT và Cục Hàng không VN.
Bộ GTVT cũng đánh giá dự án của Vietnam Airlines phù hợp với quy hoạch cũng như quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phù hợp với nhu cầu phát triển thị trường…
Tuy nhiên, trong văn bản mới nhất gửi UBND TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đề nghị Vietnam Airlines đánh giá lại sự cần thiết phải đầu tư dự án trong tình hình ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Mặc dù vậy, trong buổi đối thoại mới đây nhất với lãnh đạo Hà Nội, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành vẫn khẳng định quyết tâm đầu tư 50 tàu bay này. “Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc mua thêm máy bay chính là cơ hội, bởi hầu hết hãng trên thế giới đang hủy đơn hàng, đón đầu xu thế phục hồi sau dịch”, ông Thành nói và cho biết: Trước dịch Covid-19, để đặt hàng một chiếc máy bay phải mất 3 - 4 năm mới được giao. Khi các hãng trên thế giới hủy đơn hàng thì giúp doanh nghiệp này có thể nhanh chóng có máy bay.
“Vì vậy, chúng tôi đề xuất có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đầu tư thêm 50 máy bay”, ông Thành nói.
Kế hoạch đón đầu xu hướng phục hồi nhanh chóng sau dịch Covid-19 của Vietnam Airlines dường như đang chứng minh là đúng khi trong ngày 29/5 vừa qua, số chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines đạt trên 300 chuyến và tăng 36% so với cùng kỳ 2019.
Như vậy, Vietnam Airlines đã chính thức khôi phục hoàn toàn số chuyến bay nội địa so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tín hiệu khả quan đánh dấu sự hồi phục tích cực và mạnh mẽ của Vietnam Airlines nói riêng, hàng không trong nước nói chung.
Giữa tháng 4/2019, Sở KH&ĐT Hà Nội nhận được hồ sơ đề nghị của Vietnam Airlines về việc thực hiện Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp.
Đến cuối tháng 4/2019, Sở này phải gửi công văn tới Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT đề nghị xem xét, hướng dẫn trình tự, thủ tục; thẩm quyền và nội dung hồ sơ dự án. Nguyên nhân bởi từ trước đến nay, các doanh nghiệp mua sắm máy bay nhiều, tuy nhiên, TP Hà Nội chưa từng thụ lý hồ sơ nào về dự án mua sắm máy bay nên không có cơ sở hướng dẫn Vietnam Airlines hoàn thiện hồ sơ dự án để trình phê duyệt dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định của Luật Đầu tư, các doanh nghiệp sẽ trình dự án đầu tư cho cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư trên địa bàn đăng ký kinh doanh thẩm định và phê duyệt, thay vì các bộ quản lý chuyên ngành như trước đây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận