Kinh tế

Vì sao Viettel đề xuất không phân biệt giá cước nội, ngoại mạng?

08/07/2014, 10:16

Viettel đề nghị Bộ cho phép sử dụng một đơn giá cước, tức là một mức giá cước đối với gọi nội mạng và ngoại mạng.

Sắp tới có thể không còn khái niệm giá gọi điện nội mạng hay ngoại mạng mà chỉ còn một mức chung
Sắp tới có thể không còn khái niệm giá gọi điện nội mạng hay ngoại mạng mà chỉ còn một mức chung (Ảnh: Vnexpress)

“Viettel đề nghị Bộ cho phép sử dụng một  đơn giá cước, tức là một mức giá cước đối với gọi nội mạng và ngoại mạng. Đương nhiên cuộc gọi nội mạng rất nhiều và ngoại mạng rất ít. Do đó việc áp dụng cùng một đơn giá sẽ thuận lợi cho khách hàng, vì họ sẽ không còn phải nghĩ trong đầu gọi nội mạng giá bao nhiêu và ngoại mạng giá bao nhiêu”, ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel phân tích.

Nguyên nhân để Viettel đưa ra kiến nghị này là nhằm kích thích tiêu dùng trong điều kiện kinh tế khó khăn, đồng thời để thuê bao sẽ không cần phải đắn đo nên gọi điện bằng mạng nào khi mức giá này đã được thống nhất.

Ngoài ra, áp lực của sự phát triển OTT (các phần mềm nhắn tin, chát miễn phí: như Line, Nimbuzz, Tango, KakaoTalk, Viber, WhatsApp) cũng khiến nhà mạng này cho rằng, nên giảm giá cước thoại và cước tin nhắn, trong điều kiện người dùng có thể sử dụng các dịch vụ viễn thông truyền thống này qua một kênh miễn phí mà nhà mạng không thể kiểm soát được.

Cước di động tại Việt Nam đã giữ nguyên trong 5 năm gần đây và chưa điều chỉnh. Theo ông Sơn, mức chênh lệch giá cước giữa 2 cuộc gọi nội mạng và ngoại mạng là 10%.  Và, nếu Viettel được chấp nhận giảm giá cước ngoại mạng thì doanh thu mỗi tháng của hãng này sẽ giảm 77 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà mạng quân đội khẳng định việc giảm giá cước sẽ kích thích tiêu dùng, lúc đó phần doanh thu bị sụt giảm sẽ được bù lại.

Lãnh đạo Viettel cũng đề nghị giữ nguyên mức cước data như hiện nay. Theo thống kê của Viettel, lượng thuê bao dùng data trong 6 tháng đầu năm tăng nhanh, khoảng 7 triệu người dùng, trong đó có 4,5 triệu thuê bao 3G.

Trả lời báo chí về đề xuất của Viettel, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), cho biết Bộ sẽ yêu cầu Viettel và các nhà mạng khác báo cáo giá thành dịch vụ di động. Nếu xét thấy Viettel không phá giá thì yêu cầu của Viettel sẽ được phê duyệt.

Báo cáo tổng kết của Bộ TT-TT cho biết, tính từ đầu năm 2014, số thuê bao 2G giảm khoảng 5 triệu thuê bao nhưng thuê bao 3G tăng khoảng trên 3 triệu. Hiện nay, có 121,12 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó 20% là thuê bao 3G.

P.V (Tổng hợp)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.