Vận tải

Vì sao VNA muốn bán rồi thuê lại 4 máy bay sắp nhận?

24/11/2016, 07:33

Trong năm 2017, Vietnam Airlines (VNA) sẽ tiếp nhận 5 máy bay, gồm 4 chiếc A350 và 1 chiếc Boeing 787-9.

8

Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận 4 chiếc A350 trong năm 2017

Tối ưu hóa lợi ích

Theo kế hoạch, năm 2017, VNA sẽ tiếp nhận 5 máy bay, gồm 4 chiếc A350 và 1 chiếc Boeing 787-9. Ngoài 1 chiếc A350 dự kiến giao trong tháng 1/2017 đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương bán và thuê lại (sale and leaseback), VNA sẽ phải thu xếp vốn cho 4 máy bay còn lại với tổng số tiền huy động dự kiến lên tới 544 triệu USD.

Theo Chủ tịch HĐQT VNA Phạm Ngọc Minh, mặc dù các dự án đầu tư máy bay B787-9 và A350 của TCT đều đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và vay bảo lãnh nhưng do tình hình thực tế và trước áp lực lớn của vấn đề nợ công quốc gia, Chính phủ và Bộ Tài chính thường xuyên yêu cầu TCT phải tích cực rà soát kế hoạch phát triển, kế hoạch SXKD 2015-2020 theo hướng giãn tiến độ đầu tư để đảm bảo cân đối dòng tiền và tăng khả năng trả nợ, đồng thời rà soát phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn, ưu tiên bố trí nguồn vốn trả nợ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; Có các giải pháp để giảm tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, đánh giá các chương trình ưu tiên đầu tư theo hướng giảm dần sự hỗ trợ của Chính phủ sau khi CPH.

Cũng theo ông Minh, lựa chọn phương án bán và thuê lại sẽ giúp VNA tối ưu hóa các lợi ích và thực hiện đồng bộ giải pháp về mặt tài chính. Cụ thể, đảm bảo kế hoạch phát triển đội tàu bay của TCT, có được máy bay khai thác theo đúng cấu hình lựa chọn ban đầu; Giảm dần sự hỗ trợ, phụ thuộc vào nguồn vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ và do đó không làm tăng nợ công quốc gia; Giảm thiểu đáng kể nhu cầu vay vốn (544 triệu) và cải thiện, tăng cường kiểm soát hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu.

Giảm nợ vay mua máy bay

Thực tế, việc đầu tư nâng cấp đội tàu bay thời gian qua đã giúp VNA có sự phát triển nhanh. Tuy nhiên, do vốn đầu tư phụ thuộc vào vốn vay là chủ yếu nên đã làm gia tăng hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này. Được biết, dự kiến đến ngày 31/12, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của VNA là 4 lần.

“Nếu áp dụng phương pháp bán và thuê lại, dự kiến hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của VNA sẽ giảm còn khoảng 3,2 lần tại thời điểm 31/12/2017 và tiến tới sẽ giảm xuống dưới 3 lần vào cuối năm 2018”, ông Minh cho biết thêm.

Cần phải nói thêm rằng, ngoài phương pháp bán và thuê lại, vẫn còn 3 phương án huy động vốn mua máy bay khác mà VNA có thể thực hiện gồm vay tín dụng xuất khẩu, vay thương mại và phát hành trái phiếu.

Đối với phương án vay tín dụng xuất khẩu, theo nguồn tin của Báo Giao thông, đầu tháng 4/2016, vì một số nguyên nhân, Cơ quan Bảo lãnh tín dụng xuất khẩu Vương quốc Anh đã quyết định tạm dừng bảo lãnh cho các giao dịch xuất khẩu máy bay, nên Airbus khuyến nghị VNA cần chủ động tìm kiếm giải pháp tài chính khác thay thế. Tương tự, Ngân hàng xuất nhập khẩu của Mỹ - cơ quan chuyên thực hiện bảo lãnh cho giao dịch vay tín dụng xuất khẩu mua máy bay Boieng vẫn đang phải chờ Quốc hội Mỹ họp và xem xét kế hoạch phân bổ ngân sách, bảo lãnh tài trợ xuất khẩu máy bay, do đó khả năng vay được là rất thấp.

Phương án phát hành trái phiếu cũng khó khả thi, bởi nếu phát hành ở VN thì các doanh nghiệp chủ yếu phát hành trái phiếu bằng VND với thời hạn 5-10 năm, còn nếu phát hành bằng ngoại tệ trên thị trường vốn quốc tế thì chưa phổ biến nên rất khó thành công. Thực tế, trái phiếu quốc tế mới chỉ thực hiện ở cấp quốc gia và từ trước đến nay, mới chỉ thực hiện được 3 lần.

Đối với phương án vay thương mại, theo nhiều chuyên gia, hầu hết các ngân hàng nước ngoài đều đưa ra điều kiện vay bắt buộc là phải có bảo lãnh của Bộ Tài chính và thế chấp máy bay. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, hai điều kiện này chỉ được phép áp dụng với khoản vay tín dụng xuất khẩu hoặc khoản vay hỗn hợp tín dụng thương mại và tín dụng xuất khẩu. Hiện, có rất ít ngân hàng nước ngoài có thể xem xét, đồng ý lựa chọn một trong hai điều kiện là có bảo lãnh của Bộ Tài chính hoặc thế chấp máy bay. Hơn nữa, ngay cả khi chỉ yêu cầu bảo lãnh thì cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong xin cấp bảo lãnh do áp lực nợ công quốc gia đang có xu hướng gia tăng.

Trong bối cảnh này, việc lựa chọn phương án bán và cho thuê lại sẽ khả thi nhất, bởi chi phí tiền thuê dù cao hơn chi phí bay tín dụng xuất khẩu vốn không khả thi nhưng vẫn thấp hơn chi phí vay thương mại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.