QL1 xe chen chúc |
Cao tốc nghìn tỷ vắng hoe, QL1 đông đúc
Ngày 2/6, PV Báo Giao thông khảo sát tuyến đường QL1 khu vực Bình Chánh từ hướng Đại lộ Đông Tây, An Lạc - đi Long An, Tiền Giang, lượng xe tải các loại, xe chở container chen chúc tràn cả sang làn xe máy và di chuyển hết sức khó khăn. Theo quan sát thì lượng xe du lịch dưới 16 chỗ ngồi không đáng kể, xe chở khách thương hiệu trên 30 chỗ cũng không nhiều, chủ yếu vẫn là xe tải các loại.
Chất lượng mặt đường QL1 từ Bình Chánh đi Long An rất xấu vì nhiều năm thiếu vốn để duy tu bài bản, hệ thống thoát nước tự chảy bị vô hiệu hóa bởi nhà dân hai bên đường án ngữ. Mặt đường lởm chởm “ổ gà”, “ổ voi”. Mặc dù lưu thông bằng xe du lịch nhưng cũng phải mất hơn một tiếng chúng tôi mới vượt được chặng đường từ TPHCM đi Long An.
Tại một cây xăng ở khu vực Voi Lá - Long An, đang có rất nhiều xe container đổ dầu, khi được hỏi vì sao không đi cao tốc TPHCM - TL, tài xế xe container 61L - 11xx cho biết: “Em chạy đủ tải, chở hàng từ KCN Sóng Thần đi KCN Trà Nóc - Cần Thơ nếu qua cao tốc TP HCM - TL phải chi mua phí gần 500.000đ/2 chuyến đi và về. Vì không cần giao hàng gấp, em đi QL1, dù chậm, ùn tắc, hao xăng nhưng chi phí vẫn dư ra chút đỉnh…”.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trước đây khi chưa có chủ trương siết chặt cân xe, các loại xe từ 18 tấn trở lên, xe container thường chọn lưu thông qua cao tốc vì ngoài di chuyển nhanh còn có thể ít bị kiểm tra tải trọng. Nay cả nước đều tiến hành kiểm soát tải trọng cầu đường, lái xe phải hạ tải, chở đúng tải nên chuyển sang đi QL1 tránh bị thu phí.
Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến lượng xe lưu thông trên cao tốc suy giảm còn do các đường dẫn (nối vào đường cao tốc) do Khu quản lý giao thông (Sở GTVT TPHCM) quản lý gần đây nhiều đoạn xuống cấp, nhiều ổ gà, mặt đường lún sụt. Thậm chí, nhiều đoạn, miệng cống thoát nước (đã thi công xong) trồi cao hơn mặt đường, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.
Giải pháp tháo gỡ cho nhà đầu tư thu phí
Theo hợp đồng trị giá 2.004 tỷ đồng trong thời gian 5 năm, nhà đầu tư sẽ bắt đầu thu phí cao tốc TP HCM - TL từ ngày 1/1/2014. Đơn vị thu phí hy vọng vào sự tăng trưởng của thị trường vận tải tại khu vực Tây Nam bộ qua đường cao tốc duy nhất là TP HCM - TL. Thực tế cũng cho thấy, sau khi đưa cao tốc vào vận hành năm 2010, lượng xe lưu thông ngày càng tăng. Số liệu của chủ đầu tư cho thấy số tiền thu phí tuyến đường cao tốc TP HCM - TL trước thời điểm 1/1/2014 đạt khoảng trên 1 tỉ đồng/ngày, còn lưu lượng xe gia tăng trên 10%/ năm. Với mức tăng này thì đơn vị thu phí sẽ khả năng có lãi. Tuy nhiên, với tình trạng suy giảm đột ngột lưu lượng xe lưu thông như hai tháng trở lại đây, ông Phạm Văn Diệt - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh cho biết: Khả năng hoàn vốn mua quyền thu phí khó khả thi.
Thực tế cho thấy, QL1 đang ngày một quá tải, trong khi cao tốc TP HCM - TL hàng nghìn tỷ đồng thì vắng vẻ là sự lãng phí lớn. Một nguyên nhân quan trọng khiến lượng xe chưa vào cao tốc như dự tính là dự án đường nối Đại lộ Đông - Tây (nay là Đại lộ Võ Văn Kiệt) với cao tốc TP HCM - Trung Lương dài chỉ 2,7km hiện chưa bố trí được vốn GPMB nên dự án 2.371 tỉ đồng vẫn án binh bất động.
Do đó, nhà đầu tư thu phí cao tốc TP HCM - TL mong muốn cơ quan chức năng sớm triển khai 2,7km từ Đại lộ Võ Văn Kiệt vào đường cao tốc và mở rộng nâng cấp sửa chữa các tuyến đường nối vào đường cao tốc đang hư hỏng để thu hút lượng xe lưu thông vào đường cao tốc này. Đồng thời có phương án phân luồng hợp lý trên QL1 nhằm phân bố bớt lượng xe tải nặng sang cao tốc TP HCM - Trung Lương để hạn chế nguy cơ TNGT, ùn tắc giao thông.
Minh Nghĩa
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận