Người tốt - Việc tốt

Vị sư trẻ người Khmer đam mê xây cầu giao thông, giúp đỡ người nghèo

Đại đức Danh Út, trụ trì chùa Thôn Dôn (Kiên Giang) đã vận động mạnh thường quân xây cất 9 cây cầu giao thông, tổng kinh phí gần 2,2 tỷ đồng.

Gần chục cây cầu đã đưa vào sử dụng

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, nhiều năm qua, việc xây cất cầu giao thông nông thôn do các tổ chức xã hội từ thiện thực hiện phát triển mạnh mẽ. Phong trào được sự ủng hộ của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh, đem lại diện mạo mới cho đời sống người dân nông thôn.

Những năm qua, riêng Đại đức Danh Út, trụ trì chùa Thôn Dôn cùng với Hội Từ thiện chùa Thôn Dôn (Keomunìvansà, TP Rạch Giá) đã vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm xây cất 9 cây cầu giao thông nông thôn, với tổng kinh phí xây dựng gần 2,2 tỷ đồng.

img

Đại đức Danh Út, trụ trì chùa Thôn Dôn chụp ảnh lưu niệm tại lễ khánh thành cầu Phúc Ngọc (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Mai Phương

Có thể kể đến một số cây cầu như: cầu Tà Ben (ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành), kinh phí xây dựng 450 triệu đồng; cầu Cựa Gà (ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành), kinh phí xây dựng 350 triệu đồng. Hay như cầu Kinh 5 (ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành), kinh phí 350 triệu đồng…

Các cây cầu vừa hoàn thành đã phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho bà con đi lại dễ dàng hơn. Nhất là các em học sinh đến trường thuận lợi, không còn cảnh lụy đò, xuồng hay thấp thỏm qua cầu tre, cầu ván đã xuống cấp.

Đại đức Danh Út chia sẻ: “Tuổi thơ của sư gắn liền với vùng quê, đi lại khó khăn lắm, do cách trở bởi kinh rạch. Muốn đi đâu phải lội bộ, đi xuồng hàng mấy cây số.

Để bà con đồng bào bớt cảnh khó khăn trong việc đi lại, nhà sư luôn tâm nguyện và mong muốn góp một phần sức nhỏ để xây dựng những chiếc cầu kết nối đôi bờ, giúp cho người dân lưu thông thuận tiện hơn; các em học sinh đến trường được an toàn”.

Đại đức Danh Út cũng mong muốn, thời gian tới, có thêm nhiều cây cầu được xây dựng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hơn, góp phần vào xây dựng nông thôn phát triển, đời sống người dân được nâng cao thông qua giao thông, giao thương.

Với niềm mong mỏi, nhiệt huyết đó nên dù bận nhiều việc, nhưng Đại đức Danh Út vẫn tích cực đi vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, Phật tử đóng góp kinh tế xây dựng cầu và kêu gọi mọi người chung tay xây cất.

img

Những cây cầu giao thông nông thôn không chỉ mang chức năng đi lại, mà còn mang dấu ấn và truyền tải văn hoá dân tộc Khmer Nam bộ thông qua các biểu tượng trang trí ở từng cây cầu. Ảnh: Mai Phương

Để lại ấn tượng sâu đậm trọng lòng người dân

Nhiều cầu giao thông nông thôn được Đại đức Danh Út và Hội Từ thiện chùa Thôn Dôn vận động kinh phí xây dựng không chỉ mang chức năng đi lại, mà còn mang dấu ấn và truyền tải văn hoá dân tộc Khmer Nam bộ thông qua các biểu tượng trang trí ở từng cây cầu.

Trong đó, đặc sắc nhất là biểu tượng rắn thần Naga (rồng), Pháp luân xa và hình ảnh Chư thiên. Mỗi biểu tượng có ý nghĩa và truyền tải thông điệp văn hoá Phật giáo Nam tông Khmer đến với người dân.

Và hình ảnh những vị sư trẻ tuổi, sau giờ học Phật pháp, học tập ở trường với áo cà sa, chân đất cùng người dân trộn hồ, đổ bê tông, hàn sắt, lắp dầm cầu, đổ khuôn hoạ tiết hoa văn lan can cầu… giữa cái nắng chói chang đã để lại dấu ấn sâu đậm. Những người dân, Phật tử ấn tượng mạnh về cuộc sống tu hành “tốt đời đẹp đạo”.

Thời gian qua, bên cạnh vận động xây dựng cầu giao thông, Đại đức Danh Út và Hội Từ thiện chùa Thôn Dôn còn vận động kinh phí xây dựng nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ trùng tu, xây dựng các chùa Khmer trong và ngoài tỉnh, với kinh phí hàng tỷ đồng,…

Ngoài ra, Hội Từ thiện chùa Thôn Dôn còn xây dựng Phòng Khám bệnh Y học cổ truyền cho người dân tại chùa Thôn Dôn…

Ông Danh Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Địa phương luôn ủng hộ hoạt động của Đại đức Danh Út và Hội Từ thiện chùa Thôn Dôn, như vận động bà con chủ đất giao đất để xây cầu được thuận lợi hơn.

Nhờ những cầu nông thôn của Đại đức Danh Út vận động xây dựng, góp phần làm cho xã Thạnh Lộc hoàn chỉnh về tiêu chí xã Nông thôn mới”.

Ông Dương Thanh Nhị, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hiệp (TP Rạch Giá) cho biết: “Hoạt động từ thiện xã hội của Đại đức Danh Út rất có ý nghĩa trong vấn đề an sinh xã hội tại địa phương, chăm lo đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc còn khó khăn”.

Với tinh thần đem giáo lý Phật giáo phụng sự xã hội, Đại đức Danh Út được sự tín nhiệm của chính quyền địa phương và Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Kiên Giang, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang. Và vị sư trẻ “mê xây cầu” được giới thiệu ứng cử HĐND TP Rạch Giá khoá XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.