Tối 21/11, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình với chủ đề “Niềm tin và khát vọng”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh… đã đến tham dự chương trình.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Tạ Quang Đông khai mạc chương trình
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”
Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: "Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng sẽ được tổ chức vào ngày 24/11 tại thủ đô Hà Nội".
Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động, sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; cũng là sự tiếp thu, giao lưu tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới để không ngừng hoàn thiện.
Việc xây dựng và nhân lên sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam khẳng định tầm nhìn xa trông rộng của Đảng về vai trò của văn hóa trong việc bảo vệ và phát triển đất nước.
Ca khúc "Đường chúng ta đi" qua sự thể hiện của Đăng Dương, Việt Hoàn, Trọng Tấn
Lòng yêu nước, chuộng hòa bình, ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của con người Việt Nam chính là sức mạnh góp phần đưa dân tộc ta vượt qua các ghềnh thác xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Luận điểm này đã trở thành nguyên tắc chi phối có ý nghĩa cơ bản, lâu dài.
Đó là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Đa dạng, đa sắc văn hóa Việt
Theo NSND Quang Vinh, Tổng đạo diễn chương trình, đây là chương trình nghệ thuật hàm chứa nội dung về đường lối văn hóa của Đảng nên ý nghĩa và dung lượng phản ánh vô cùng lớn.
Ê-kíp đã tận dụng tối đa một số clip để chuyển tải nội dung, hình ảnh tới khán giả để tạo một sân khấu ca múa nhạc tổng hợp, mang nhiều màu sắc tươi mới, hấp dẫn.
Để làm nổi bật vị trị và vị thế của văn hóa Việt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đêm nghệ thuật được chia thành 3 phần: “Tổ quốc”, “Đường chúng ta đi” và “Rạng rỡ Việt Nam”.
Tổ khúc múa "Đất gọi"
Chương trình đã đưa khán giả về với cội nguồn văn hóa Việt, đi qua những chặng đường phát triển của đất nước. Trong quá trình hội nhập, phát triển đất nước, văn hóa Việt và con người Việt cũng có những bước phát triển đa dạng.
Chương trình tái hiện những đặc sắc, đa dạng văn hóa trải dài khắp đất nước từ vùng Tây Bắc, tới đồng bằng Bắc Bộ, tới miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ...
Phần 1 "Tổ quốc" mang tới những tổ khúc múa như "Bình minh đất Việt", "Đất gọi", hát múa "Hồn Việt" và phần trình diễn âm nhạc dân gian Mường.
Ở phần 2 "Đường chúng ta đi” cho thấy sự đa dạng của văn hóa Việt qua những tiết mục như "Đường chúng ta đi" với sự thể hiện của Đăng Dương, Việt Hoàn, Trọng Tấn; "Đất nước lời ru", "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi", Múa "Quốc hoa", "Đất phương Nam"...
Văn hóa vùng Nam Bộ trong tiết mục "Đất phương Nam"
Tiết mục "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người"
Phần 3 “Rạng rỡ Việt Nam” cho thấy sự phát triển của văn hóa Việt Nam thời kỳ đổi mới, những khát vọng, niềm tin về văn hóa, đất nước Việt Nam ngày càng bay cao. Điều đó thể hiện qua các tiết mục như "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người", "Một đời người một rừng cây", "Quê hương Việt Nam", "Lời trái tim muốn nói", "Tôi yêu Việt Nam", "Những trái tim Việt Nam".
Hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Thu Hiền, NSƯT Thanh Lam, Việt Hoàn, Trọng Tấn, Đăng Dương, Lê Anh Dũng... đã tham gia với những ca khúc ca ngợi Đảng, tình yêu quê hương đất nước.
Mỗi phần của đêm nhạc đều được dàn dựng công phu, hoành tráng với nhiều hoạt cảnh, đa dạng phong cách nghệ thuật từ hát, tổ khúc múa, kết hợp các tư liệu hình ảnh trên màn hình.
Tất cả để làm nổi bật chủ đề tư tưởng nội dung, đó là khẳng định được vị trí và vị thế của văn hóa trong quá trình phát triển đất nước, lấy giá trị văn hóa, con người làm nền tảng, sức mạnh nội sinh, bảo đảm sự phát triển bền vững.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận