Với mục tiêu đầu tư chuỗi giá trị Xanh, Traphaco đã xây dựng hàng loạt vùng nguyên liệu cung cấp tới 72% dược liệu phục vụ sản xuất |
Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020 do Ban điều hành Traphaco xây dựng đã được HĐQT phê duyệt, trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 vào ngày 30/3 tới được đánh giá táo bạo, mạnh mẽ và cũng đặt ra những bước đi cụ thể cho doanh nghiệp có tốc độ phát triển hàng đầu ngành Dược này.
Thông điệp táo bạo và mạnh mẽ
Đáng chú ý, theo tầm nhìn đến năm 2020 đặt ra trong chiến lược, Traphaco đặt quyết tâm là doanh nghiệp số 1 thị trường Dược Việt Nam về tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, vốn hóa thị trường; trở thành Thương hiệu Xanh hàng đầu Việt Nam. Theo đó, đạt giá trị vốn hóa thị trường 10.000 tỷ đồng; tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận 500 tỷ đồng.
Không chỉ xác định rõ vị trí của mình ở đâu trong thị trường dược, chiến lược phát triển mới còn nỗ lực hướng tới mục tiêu “Con người Traphaco hạnh phúc, hài lòng cuộc sống và công việc, môi trường làm việc xếp vào nhóm tốt nhất tại Việt Nam”.
Ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco |
“Chiến lược này thay đổi cả tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi và đặt ra con đường cụ thể Traphaco phải đi từ nay đến năm 2020”, Tổng giám đốc Traphaco Trần Túc Mã - người tạo dựng lên chiến lược đầy tham vọng chia sẻ với PV Báo Giao thông.
Để đạt được mục tiêu khá thách thức này, ông Mã cho biết, đội ngũ lãnh đạo của Traphaco cũng xác định kế hoạch hành động rất cụ thể trong giai đoạn 2017-2020 như: Tăng trưởng tập trung vào thị trường nội địa, đột phá khu vực phía Nam; Đa dạng hóa sản phẩm đồng tâm dựa trên cân bằng năng lực R&D – Sản xuất – Phân phối; Hiện đại hóa chuỗi cung ứng dựa trên nền công nghệ tiên tiến và hệ thống quản trị hiện đại; Cân bằng nguồn lực, đồng bộ, cộng hưởng giá trị tạo lợi thế cạnh tranh dựa trên năng lực cốt lõi để phát triển bền vững...
“Chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch các chỉ tiêu tài chính như tỷ lệ tăng trưởng; doanh thu; lợi nhuận; vốn hóa thị trường từng năm từ nay đến 2020 một cách cụ thể, chi tiết để kế hoạch hành động mạch lạc, rõ ràng”, ông Mã nhấn mạnh.
Sản xuất thuốc theo dây chuyền tại Traphaco |
Phát triển chuỗi giá trị bền vững
Có thể nói, bên cạnh hướng đi táo bạo, kế hoạch hành động rõ ràng, “Khát vọng Xanh” của tổng giám đốc Trần Túc Mã còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi được gây dựng trên nền tảng vững chắc của Traphaco là kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2016 cũng như nhiệm kỳ 5 năm qua.
Theo đó, năm 2016, Traphaco là doanh nghiệp có nhiều chỉ số tài chính tốt nhất so với các doanh nghiệp dược trên sàn HOSE. Cụ thể: Số ngày tồn kho bình quân và số ngày phải thu khách hàng của Traphaco là tốt nhất trong số các đối thủ so sánh; ROE chỉ đứng sau DHG; và là doanh nghiệp trả cổ tức tỷ lệ cao nhất 30%.
Từ một doanh nghiệp đứng thứ 5 trong số các doanh nghiệp dược niêm yết tại thời điểm năm 2011, đến nay Traphaco đã đứng thứ 2 về doanh thu và lợi nhuận.Trong 5 năm vừa qua, Traphaco đã tăng hơn 2 lần về doanh thu, gần 3 lần về lợi nhuận, vốn hoá thị trường của doanh nghiệp cũng tăng hơn 8 lần. Từ một doanh nghiệp vẫn còn phải đi vay đầu nhiệm kì, tới thời điểm 31/12/2015, Traphaco có trạng thái tiền mặt ròng (tiền mặt trừ nợ vay) lên tới 345 tỷ đồng, chiếm 27% tổng tài sản. |
Một trong những giải pháp quan trọng giúp biên lợi nhuận của Traphaco không ngừng cải thiện theo từng năm, từ mức 37,6% lên gần 50% năm 2016 là nhờ doanh nghiệp đã âm thầm hoàn thiện chuỗi giá trị của mình. Chuỗi giá trị đó là hệ thống phân phối rộng khắp cả nước với 22 chi nhánh và 3 công ty con, bán trực tiếp cho gần 23.000 nhà thuốc.
Hiện Traphaco có trên 230 sản phẩm, trong đó nhóm top 10 có tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng chính, tiêu biểu như Boganic và Hoạt huyết dưỡng não - được cho là chưa có đối thủ trên thị trường.
Về đông dược, trong khi các nhà sản xuất khác ở VN phải nhập khẩu 90% dược liệu, Traphaco tự cung cấp được 90% dược liệu phục vụ sản xuất. Hiện tại, Traphaco có 2 nhà máy với tổng công suất sản xuất 1 tỷ đơn vị sản phẩm/năm. Ngoài ra công ty đang xây dựng 1 nhà máy Dược mới tại Hưng Yên rộng 46.000m2 dự kiến đưa vào hoạt động quý III/2017 có tổng giá trị 21,1 triệu USD, thể hiện quyết tâm lấn sang mảng tân dược.
Ban lãnh đạo TRA cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu thực phẩm chức năng và đã có một vài sản phẩm nổi bật như: Trasleepy, Trasoyal… đồng thời đặt mục tiêu sẽ cơ cấu riêng một nhà máy cho TPCN trong năm 2017 (theo quy định của ngành nghề).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận