Cửa hàng thủy sản Hương Vĩnh (Bà Triệu, Nguyễn Trãi, Hà Đông) chiếm trọn cả vỉa hècủa người đi bộ |
Sau ra quân rầm rộ, vỉa hè lại bị tái chiếm
Bắt đầu từ ngày 10/3, các quận, huyện của Hà Nội đồng loạt ra quân xử lý nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Việc xử lý mạnh tay vi phạm của các lực lượng chức năng khiến người dân tin tưởng đây là những “trận chiến” cuối cùng để “dẹp loạn” vỉa hè vốn tồn tại dai dẳng trong hàng chục năm qua không chỉ ở Thủ đô mà còn nhiều tỉnh, thành khác trên địa bàn cả nước.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tình hình lại không khả quan như vậy. Việc lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán một lần nữa tái diễn ở hầu khắp địa bàn Hà Nội, từ các tuyến đường lớn đến các tuyến phố, ngõ, ngách nhỏ. Cụ thể, khảo sát của PV ngày 15/7, dù vào ngày cuối tuần, tại các tuyến phố trung tâm quận Hà Đông như: Lê Hồng Phong, Bà Triệu, Lê Lợi, Trưng Trắc, Tô Hiệu, Lê Trọng Tấn, Lê Văn Lương, Bế Văn Đàn… vỉa hè bị chiếm dụng tràn lan. Đơn cử tuyến đường Bà Triệu, dù lòng đường rất hẹp, chỉ chưa đầy 2m và thường xuyên ùn ứ, nhưng rất nhiều hàng quán vẫn tràn ra vỉa hè, nhất là đoạn trước cổng chợ Hà Đông. Trong khi vỉa hè trên tuyến đường này chưa đầy 2m, người bán đã lấn chiếm hết, đẩy người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Từ đại lý bánh kẹo đến hàng thủy sản, gia cầm, vật nuôi để lồng sắt, chó mèo tràn lan trên vỉa hè. Cùng đó, hàng chục chiếc ô tô đỗ thành hàng dài dưới lòng đường khiến giao thông ùn tắc.
Đại diện Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội cũng cho biết, mới đây ngày 18/7, đơn vị này đã tổ chức họp với đại diện các quận, huyện để đánh giá lại công tác xử lý vỉa hè thời gian qua. “Tới đây, chúng tôi sẽ xử lý quyết liệt hơn để trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ. Đối với các hộ kinh doanh lấn chiếm, các lực lượng chức năng phải xử lý mạnh tay”, vị lãnh đạo này cho biết. |
Ông Nguyễn Văn Trường, người dân khu vực bức xúc: “Thi thoảng, tôi vẫn thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra nhưng không còn quyết liệt như trước nữa. Điều này khiến các hộ kinh doanh càng lấn chiếm ngang nhiên hơn. Giờ trên tuyến phố này chẳng còn vỉa hè cho chúng tôi đi bộ nữa. Người lớn, trẻ con toàn phải đi xuống lòng đường”.
Còn tại đường Lê Trọng Tấn, dù vỉa hè rộng khoảng 8m, nhưng lại bị khoảng 20 quán ăn, cửa hàng chiếm dụng cả hai bên. Hàng quán sẵn sàng trưng bàn ghế và xí cả chỗ gửi xe cho khách. Người đi bộ qua khu vực này để tới điểm xe buýt không còn cách nào khác phải đi xuống lòng đường.
“Thời gian đầu, lực lượng chức năng xử nghiêm quá, gia đình tôi định thuê cửa hàng sâu trong ngõ. Cũng may gần đây, họ không xử lý nữa nên đỡ tốn tiền thuê cửa hàng”, chị Lê Thị Nga, chủ quán bún riêu cua ngay đầu đường Lê Trọng Tấn thật thà chia sẻ.
Tương tự, tại các tuyến phố ở khu vực phố cổ Hà Nội thuộc quận Hoàn Kiếm như: Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Ô Quan Chưởng, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bông, Hàng Mã... ghi nhận của PV chiều 16/7, hầu hết vỉa hè đều bị chiếm dụng để buôn bán giày dép, quần áo... Đơn cử tại phố Hàng Bông, một trong những tuyến phố trung tâm có vỉa hè tương đối rộng, dù đã được cơ quan chức năng kẻ vạch, đặt biển cấm... nhưng hàng quán vẫn ngang nhiên bày biện đủ thứ hàng ra vỉa hè. Ở góc ngã tư Hàng Bông - Phủ Doãn, vỉa hè còn biến thành điểm kinh doanh thịt gà, thịt lợn, giò chả tươi sống. Tại phố Hàng Mã, vỉa hè chỉ khoảng 2m bị các hộ kinh doanh chiếm dụng để bày biện hàng hóa, để xe máy, xe đạp. Các loại móc, giá treo hàng, giỏ nhựa đựng giấy màu, bưu thiếp… giăng kín không gian vỉa hè chưa đủ, các hộ còn để tràn xuống lòng đường khiến người đi bộ không còn chỗ len chân.
Sẽ mở tuyến phố hàng rong
Theo Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, để dẹp dứt điểm nạn lấn chiếm vỉa hè thực sự rất khó. Ngoài kiểm tra, xử lý cần phải đi kèm với công tác bố trí, sắp xếp hợp lý địa điểm thuận lợi cho người dân kinh doanh, đi lại, đỗ xe cũng như thu nhập cho người dân. Tới đây, Hà Nội sẽ nghiên cứu để lựa chọn các tuyến phố được phép bán hàng rong, đồng thời mở rộng các tuyến phố đi bộ.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi (Hà Đông) - địa bàn có nhiều điểm vỉa hè bị tái chiếm cho biết, đặc thù trên địa bàn phường nhiều tuyến phố vỉa hè nhỏ hoặc không có vỉa hè nên việc sắp xếp phương tiện rất bất cập, gây khó khăn cho người đi bộ. “Tới đây, phường sẽ siết chặt việc kiểm tra, xử lý các hàng quán kinh doanh trái phép, ô tô đỗ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè”, ông Tuấn nói.
Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, gần đây xuất hiện nhiều người buôn bán theo hình thức bán rong bằng xe máy, xe đạp, thậm chí cả quang gánh trên vỉa hè. Khi lực lượng chức năng ập đến, những người này hô hoán nhau chạy. “Nếu người dân không có ý thức, cố tình đối phó, sẽ rất khó để dẹp được vỉa hè như mong muốn”, vị này nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận