Ghi nhận của PV, những ngày qua khi các chuyến tàu chở đá vừa cập cảng Thuận An (P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế), công tác vận chuyển vật liệu này đến công trường gói thầu XL08, XL09 (dự án Cao tốc Cam Lộ - La Sơn) qua địa bàn Hương Trà (Thừa Thiên- Huế) thêm hối hả.
Đây là những chuyến hàng đầu tiên trên tuyến luồng xanh đường thủy từ Hà Nam vào Huế vừa được Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo "kích hoạt" trong chuyến thị sát công trường mới đây.
Vật liệu đá được chở từ mỏ Transmexco (Hà Nam) xuống tàu từ cảng Sơn Hữu sang cảng Nam Thiên, chuyển tải qua tàu lớn 2.000 khối vào Huế
Theo đó, mỗi chuyến tàu có tổng khối lượng khoảng 2.000 khối đá loại 5-10, qua hành trình gần 7 ngày, với nhiều biện pháp vận chuyển, chuyển tải để đẩy tiến độ, khối lượng cung cấp đá hiệu quả nhất cho cao tốc Huế, trước nỗi lo khan hiếm vật liệu.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường HCM cho hay, ngay sau chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Bộ GTVT, Ban làm việc các bên liên quan, hoàn chỉnh thủ tục, báo giá, thiết lập luồng xanh đường thủy đưa đá cung cấp vào công trường dự án.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, thiết lập “luồng xanh” trong công tác vận tải trong bối cảnh cả nước đang dồn sức trong công tác phòng dịch Covid-19, giúp ổn định thi công công trường cao tốc qua Huế, không bị gián đoạn trước bất kỳ khó khăn, áp lực nào.
Cụ thể, đá 5-10 được lấy từ Mỏ Transmexco (Thanh Thủy, Thanh Liêm, Hà Nam) vận chuyển bằng ô tô với cự ly chừng 1,5km xuống cho các tàu hàng dưới 1.000m3 tại cảng Sơn Hữu. Sau đó, tàu vận chuyển đá từ Cảng Sơn Hữu đến Cảng Nam Thiên thuộc Cảng vụ Thái Bình tại Diềm Điền (Thái Thụy, Thái Bình)
Sau hành trình chừng 11 tiếng đồng hồ, tàu chở đá tiếp tục gộp tải lên tàu lớn 2.000m3 bằng hệ thống máy xúc, múc đá từ tàu nhổ lên máng trượt rót xuống.
Cứ thế, những chuyến "tàu khủng" làm thủ tục rời cảng, trực chỉ đi Cảng Thuận An (Phường Thuận An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Tại đây, các đơn vị chức năng làm thủ tục và tiến hành bốc sếp vận chuyển về bãi trạm trộn Asphalt của dự án tại Xã Hương Thọ (Hương Trà).
Chỉ riêng 2 gói thầu XL08, XL09 khối lượng đá thảm cần khoảng 60.000m3. Lãnh đạo Ban QLDA đường HCM cho hay, việc kích hoạt luồng xanh đường thủy là giải pháp thiết thực, mang lại hiệu quả to lớn, tháo gỡ khó khăn khan hiếm vật liệu, đặc biệt đá đảm bảo yêu cầu thi công cao tốc.
Theo đánh giá, mỏ đá Lèn Bạc - Quảng Bình chỉ có thể cung cấp loại đá 0-5, 1-2 nhưng có cự ly cách công trường đến gần 150km. Riêng đá 5-10, đá cho bê tông nhựa, mỏ đá Quảng Bình chưa đạt cần căn chỉnh. Bên cạnh đó, nguồn cung tại mỏ đá Lèn Bạc bị hạn chế do nhiều công trình, dự án khác đang có nhu cầu sử dụng rất lớn.
"Ngoài đá 5-10, trường hợp mỏ đá Lèn Bạc khan hiếm nguồn cung đá 0-5, 1-2, các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường từ mỏ đá ngoài Hà Nam bằng luồng xanh đường thủy, để đảm bảo chủ động nguồn vật liệu tốt nhất, đáp ứng tiến độ, chất lượng công trình", lãnh đạo Ban QLDA đường HCM thông tin.
Ông Lê Văn Sáu, Phó giám đốc Ban QLDA đường HCM cho hay, với việc thiết lập luồng xanh này sẽ cung ứng khoảng 150.000 khối đá dùng cho BTN của dự án, giải nguy cơ khan hiếm vật liệu khi các mỏ thuộc tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị “cháy hàng” vì hiện đang cung cấp chủ yếu cho các dự án điện gió (vì không yêu cầu chất lượng vật liệu cao).
>>> Video: cận cảnh luồng xanh đường thủy chở đá vào cao tốc Huế:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận