Điểm sạt lở tại Km64+200 QL27C. Khối lượng đất đá sạt lở ước tính 500m3, dài khoảng 30m. Ảnh: Quốc Nhựt |
Phóng viên Báo Giao thông có hành trình thực tế cung đường QL27C (Nha Trang – Đà Lạt) ghi nhận các điểm sạt lở, sụt trượt và nỗ lực khắc phục của các đơn vị thi công.
Chạy theo hướng từ thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh) đi lên TP Đà Lạt, người đi liên tiếp bắt gặp các điểm sạt lở, những dòng nước rất mạnh từ trên núi cao đổ xuống tìm ẩn nguy cơ sạt lở. Tại Km41 có một điểm sạt lở nặng, lực lượng thi công đang huy động xe múc cùng nhiều xe tải tổ chức thi công, cào múc lượng đất đá bị sạt lở.
Tiếp đó, tại Km54, mưa lớn đã cuốn hỏng chân một đoạn taluy dài khoảng 7m, đất đá bị sói lở ăn vào một bên đường.
Km57 + 060 nước từ trên núi chảy xuống không ngừng, cuốn theo đất đá chảy thành dòng, nằm ngổn ngang. Chính tại điểm này, hôm 24/11, một đôi nam nữ cùng 20 tuổi ở TP Nha Trang đi xe máy đã bị dòng nước cùng đất đá hất văng xuống vực sâu.
Điểm sạt lở nặng nhất là tại Km64+200 QL27C. Khối lượng đất đá sạt lở ước tính 500m3, dài khoảng 30m khiến tuyến đường bị tắc hơn 1 giờ đồng hồ vào sáng 29/11.
Ngoài ra, trên tuyến đường thường xuyên xuất hiện tình trạng sương mù dày đặc, che khuất tầm nhìn, kéo dài nhiều cây số. Hiện nay, lực lượng chức năng đặt nhiều biển báo cho các phương tiện đi chậm, tăng cường quan sát.
Các đơn vị vẫn đang tích cực thi công các vị trí sạt lở, sụt trượt để đảm bảo ATGT. |
Tuy nhiên, qua ghi nhận của PV, mặc dù mưa lớn, sương mù dày đặc nhưng lực lượng quản lý, thi công, bảo trì đường bộ luôn luôn túc trực, lập các lán trại dã chiến kiểm tra tuyến đường đèo 24/24 để kịp thời ứng cứu khi có sự cố sạt lở. Ngoài ra, các đơn vị vẫn đang tích cực thi công các vị trí sạt lở, sụt trượt để đảm bảo ATGT.
Được biết, QL27C dài hơn 120 km, nối TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) với TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Đoạn qua đèo Khánh Lê cao 1.700m, dài 33 km. Tuyến đèo uốn lượn qua nhiều vách núi, khúc cua gấp, vách đá cao và vực sâu đến 300m.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận