Theo RT, vụ ẩu đả xảy ra trước thềm phiên họp toàn thể Quốc hội Georgia ngày 1/5 liên quan đến Dự luật về Tính minh bạch của Ảnh hưởng từ bên ngoài đối với các tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Georgia vốn đang gây nhiều tranh cãi.
Dự luật lần này là phiên bản bổ sung sửa đổi so với một dự luật tương tự do đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia đệ trình hồi năm ngoái và được thông qua sau 2 lần xem xét.
Theo đó, Georgia yêu cầu các tổ chức và cá nhân nhận được 20% tiền gây quỹ từ nước ngoài phải đăng ký là "tổ chức nước ngoài" và công khai các khoản tài trợ. Tuy nhiên, phe đối lập vẫn phản đối dự luật một cách gay gắt.
Video nghị sĩ Georgia ẩu đả ngay giữa phiên họp Quốc hội.
Một video do nghị sĩ phe đối lập Salome Samadashvili đăng tải ngày 1/5 cho thấy các nghị sĩ đã bức xúc đến mức túm lấy nhau và la hét nay trong phòng họp chính của Quốc hội. Dù dường như không trực tiếp tham gia vào vụ ẩu đả nhưng bà Samadashvilisau đó đã bị yêu cầu rời khỏi phiên họp.
Vụ ẩu đả kể trên là lần thứ 2 chỉ trong vòng một tuần tại Quốc hội Georgia hỗn loạn khi thông qua dự luật mới. Trước đó hồi đầu tuần, nghị sĩ Khatia Dekanoidze đã dùng một chai nước tấn công nghị sĩ Guram Macharashvili.
Hai tuần trước, một vụ ẩu đả cũng đã nổ ra sau khi nghị sĩ phe đối lập Aleko Elisashvili đấm thẳng vào mặt nghị sĩ Mamuka Mdinaradze cũng chỉ vì bất đồng khi thông qua một dự luật.
Dự luật về Tính minh bạch của Ảnh hưởng từ nước ngoài cũng gây ra những cuộc biểu tình quy mô lớn ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội. Nhiều video được đăng tải trong vài ngày qua cho thấy những người biểu tình phản đối dự luật đã đụng độ với cảnh sát sử dụng hơi cay và vòi ròng để giải tán đám đông.
Nhiều nước phương Tây như Mỹ và châu Âu cũng đã lên tiếng chỉ trích dự luật của Georgia với cáo buộc gây khó khăn cho hoạt động của nhiều tổ chức phi chính phủ tại Georgia. Brussels thậm chí còn cảnh báo Georgia rằng việc thông qua dự luật có thể ảnh hưởng đến khả năng Georgia được xem xét trở thành thành viên của EU.
Dù vậy, Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze tuần trước nhấn mạnh dự luật này là "điều kiện cần thiết để đẩy nhanh tiến trình" trở thành thành viên EU bởi nó sẽ giúp Georgia trở nên ngày càng minh bạch hơn.
Theo truyền thông Georgia, Quốc hội nước này sẽ tiến hành bỏ phiếu lần cuối về dự luật này trong ngày 1/5 (giờ địa phương) và Tổng thống Salome Zourabichvili có thể sẽ sử dụng quyền phủ quyết nếu dự luật được thông qua. Tuy nhiên, đảng cầm quyền ở Georgia hoàn toàn có thể vượt quyền phủ quyết của Tổng thống để thay đổi quyết định này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận