Thế giới giao thông

Video: Những siêu tàu khổng lồ "lừng lững như toà nhà" được phá dỡ thế nào?

14/11/2021, 06:30
image

Đã bao giờ bạn tự hỏi những con tàu chở dầu, tàu container, tàu du lịch biển siêu lớn sẽ đi về đâu và được xử lý như thế nào khi "hết đát"?

Những “nghĩa địa” chuyên phá dỡ tàu cũ

Trung bình, có 70-80% tàu không sử dụng trên thế giới được đưa tới Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan để phá dỡ vì ở đây, các đơn vị vận hành tàu thường được trả phí cao hơn các nơi khác trên thế giới.

Khu vực Nam Á thường trả phí khoảng 450 USD/tấn trong khi các khu vực tại Thổ Nhĩ Kỳ trả phí 250 USD/tấn, ở châu Âu là khoảng 150 USD/tấn.

“Chi phí này thường phụ thuộc vào giá thị trường sắt nội địa, chi phí lao động, mức độ phức tạp của các biện pháp bảo vệ môi trường”, ông Nicola Mulinaris, Giám đốc chính sách và truyền thông tại tổ chức phi lợi nhuận Shipbreaking Platform cho biết.

Nếu như những năm trước, đa phần các “nghĩa địa tàu” chỉ có tàu chở dầu, tàu container thì gần đây, nhất là sau khi dịch Covid-19 bùng phát, tàu du lịch biển đã xuất hiện với mật độ dày hơn.

img

Công trường phá dỡ tàu biển tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: New York Times

Theo trang New York Times, giai đoạn giữa năm 2020 khi dịch bệnh bùng phát mạnh nhất và dịch vụ du lịch biển đóng băng, có lúc có tới 5 tàu du lịch biển khổng lồ được thải về “nghĩa địa” trên bán đảo Aliaga, bờ biển Aegean, Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng như vậy”, ông Kamil Onal, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế tàu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Trong số các tàu vừa được phá dỡ tại Thổ Nhĩ Kỳ có tới 3 chiếc thuộc hãng tàu Carnival nổi tiếng của Mỹ như Inspiration, Imagination và Fantasy dù các tàu này vừa được tân trang lại vào năm 2019.

Carnival - Công ty vận hành tàu du lịch lớn nhất thế giới đã thua lỗ tới 2,9 tỷ USD trong quý III/2020 và phải loại bỏ 13 tàu cũ, kém hiệu quả trong đội tàu thế giới.

Phá dỡ tàu lớn cần tới 400 người làm, trong vòng 8 tháng

Trung bình, cứ mỗi vụ phá dỡ tàu biển cỡ lớn như tàu du lịch biển sẽ cần 400 người thực hiện. Mỗi ngày, khu vực này ầm ầm tiếng búa, máy móc đập, phân tách các mảng kim loại lớn, từng lớp, từng tầng một.

Gần như toàn bộ tàu đều làm bằng thép nên 90% đều có thể tái chế. Thép thường được bán cho các đơn vị xây dựng hoặc sản xuất ô tô. Tính đến cuối năm 2020, một đơn vị phá dỡ tàu tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bán hơn 1,1 triệu tấn thép từ hoạt động phá dỡ tàu.

Máy móc, động cơ trên tàu cũng được thu lượm để bán lại.

img

Dịch bệnh khiến số lượng tàu du lịch biển phải phá dỡ vì thua lỗ tăng cao. Ảnh - CNN

Nếu như hoạt động phá dỡ tàu chở dầu, tàu container chủ yếu chỉ cho ra phế liệu là kim loại thì tàu du lịch biển lại cho cả một “kho báu” hấp dẫn các nhà môi giới đồ cổ, nhà sưu tầm hoặc các doanh nghiệp.

“Không giống tàu thường, các tàu du lịch khổng lồ được ví như bảo tàng nổi, sang trọng với vô vàn vật phẩm giá trị”, ông Noyan Yurttas, chủ cửa hàng đồ cổ nằm đối diện xưởng phá dỡ tàu, vừa nói vừa nở nụ cười tươi rói nhìn về kho chứa đồ vừa thu lượm được từ một con tàu du lịch của Carnival với vô vàn món đồ cổ bằng đồng.

“Toàn bộ vật dụng, chi tiết, đồ dùng trên tàu từ những chi tiết nhỏ nhất như bóng đèn đến đàn piano, vật dụng tại bể bơi, sân golf… đều được thu gom cẩn thận vì tất cả đều có giá trị”, ông Yurttas nói thêm.

Với khối lượng công việc khổng lồ và tỉ mỉ như vậy, mỗi công trình phá dỡ tàu thường mất tới 8 tháng.

Thổ Nhĩ Kỳ “ghi điểm” nhờ phương pháp bảo vệ môi trường

img

Tất cả đồ dùng, vật dụng từ tàu biển đều được thu lượm tỉ mỉ. Ảnh: New York Times

Vấn đề rất lớn mà ngành phá dỡ tàu biển các nước thường gặp phải chính là tác động tới môi trường. Cả đơn vị chủ tàu và bên phá dỡ nếu không tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường đều bị phạt tới hàng chục triệu USD.

Hãng tàu Carnival và công ty con Princess từng phải trả tới 20 triệu USD tiền phạt vì xả thải bất hợp pháp và vi phạm quy định môi trường.

Cũng vì vấn đề này nên nhiều đơn vị tàu như Carnival đang chuyển hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ để phá dỡ vì nơi đây có tiếng tuân thủ các thỏa thuận môi trường trong nước và quốc tế như Công ước Hong Kong về tái chế tàu an toàn, bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, các “nghĩa địa” tại Nam Á gần đây bị tiếng xấu vì làm hư hại môi trường. Khu vực này thường phá hủy tàu bằng cách đưa tới bãi bùn và lợi dụng thủy triều để tàu mắc cạn, tạo điều kiện cho quá trình phá dỡ. Nhưng cách làm này dễ dẫn đến tình trạng vật liệu nguy hiểm rò rỉ vào trong nước.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, phần mũi tàu hoặc phía trước tàu được tiếp bờ nhưng đuôi tàu vẫn nổi. Họ sử dụng cần cẩu để cẩu khối tàu lên các khu vực làm việc trên cạn, không ảnh hưởng tới môi trường nước.

Mỗi khi có tàu du lịch được phá dỡ, giới buôn bán, sưu tầm đồ cổ trong vùng lại tìm đến để tăm tia và mua lại những vật phẩm trang trí, tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, với giá rẻ bèo.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và khách sạn tìm đến để mua nội thất trên tàu như ghế, bàn, đồ trang trí phòng...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.