Giếng khoan kỳ lạ có nước màu tím đen ở Phú Thọ. |
Nguyên nhân nước giếng khoan sủi bọt, có màu tím đen ở Phú Thọ là do các hợp chất nitơ có trong chất thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất thải ra môi trường ngày càng nhiều, sau đó amoni thẩm thấu qua đất, ngấm vào các mạch nước ngầm.
Liên quan đến vụ việc hàng trăm hộ dân xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ sống ở khu vực ven sông đang hoang mang lo lắng khi phải sử dụng nguồn nước giếng khoan bị ôm nhiễm, sủi bọt và có màu tím đen, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã có kết quả phân tích chất lượng mẫu nước.
Cụ thể, Đài truyền hình Việt Nam đưa tin, sau khi nhận được thông tin về thực trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm và cuộc sống khó khăn do thiếu nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân xã Bằng Giã, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã tiến hành lấy 6 mẫu nước giếng khoan, giếng đào của các hộ dân tại khu 8 và khu 10 để phân tích đánh giá chất lượng nước ngầm. Kết quả cho thấy, tất cả các mẫu nước đều có hàm lượng amoni vượt quá giới hạn cho phép từ 33,3 - 34,9 lần.
(Nguồn video: VTV)
Các cán bộ thuộc Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế đã nhận định, nguyên nhân chủ yếu khiến nguồn nước bị nhiễm amoni là do các hợp chất chứa nitơ có trong chất thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất thải ra môi trường ngày càng nhiều, sau đó amoni thẩm thấu qua đất, ngấm vào các mạch nước ngầm.
"Amoni khi đưa vào cơ thể có thể chuyển hóa thành nitrit và nitrat. Hai chất này gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người, khi vào trong cơ thể kết hợp với axit amin có trong thực phẩm tạo thành các sản phẩm gây ung thư", ông Đỗ Mạnh Cường- Phó trưởng Phòng sức khỏe môi trường và cộng đồng, Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế thông tin thêm.
Như tin tức đã đưa, thời gian qua, người dân khu 10, xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đang sống trong tâm trạng hoang mang trước hiện tượng nước giếng dùng sinh hoạt hàng ngày biến đổi màu bất thường. Cụ thể, khi đổ nước chè vào nước giếng khoan thì nước lập tức sủi bọt, chuyển sang màu tím đen, bốc mùi tanh hôi. Thậm chí những vật dụng bằng kim loại khi tiếp xúc với giếng nước cũng có dấu hiệu bị ăn mòn hoặc biển đổi.
Anh Nguyễn Trường Xuân (khu 10, xã Bằng Giã) một trong những gia đình dùng nước giếng khoan để sinh hoạt hàng ngày cho biết: Gia đình sinh sống ở đây đã lâu năm, mới đây anh chị có đầu tư khoan giếng lấy nước sinh hoạt cho an toàn. Tuy nhiên, dù nước bơm lên trong vắt nhưng luôn có mùi tanh, hôi khó chịu. Đựng trong chậu nhôm vài bữa là ăn mòn, kết tủa thành lớp dầy trên thành chậu. Luộc rau muống cứ xanh ngắt như mực viết Cửu Long.
Không riêng gì gia đình anh Xuân, nước giếng khoan của hơn 400 gia đình sinh sống dọc ngòi Lao, sông Hông trên địa bàn xã đều gặp phải hiện tượng tương tự. Có hộ dâu dùng nước giếng khoan rửa xe máy, được một thời gian, chiếc xe sơn màu xanh bỗng chuyển thành màu...vàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận