Nhiều vụ tài xế uống bia rượu sau đó lái xe gây tai nạn liên hoàn rồi bỏ chạy gây bức xúc. |
Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông liên hoàn nghiêm trọng đã xảy ra, nguyên nhân xuất phát từ việc các tài xế điều khiển phương tiện trong tình trạng say rượu bia, đã để lại những hậu quả nặng nề.
Mới đây nhất, vào chiều tối 4/8, tài xế ô tô BKS 30E-182.70 phóng xe trong tình trạng say rượu đâm vào hàng loạt người đi đường từ phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa) cho tới đường Hoàng Đạo Thúy (quận Thanh Xuân), Hà Nội. Sau khi bỏ chạy qua nhiều tuyến đường, tài xế đã bị người dân giữ lại đồng thời một số người vì quá bức xúc đã hành hung anh ta.
Ngoài vụ việc mới nhất trên, hàng loạt các vụ TNGT liên hoàn khác xuất phát từ hành vi thiếu ý thức, coi thường tính mạng mình và những người xung quanh cũng đã gây bức xúc trong dư luận.
Xem chi tiết tại video dưới đây:
Theo Điều 5 và Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu, bia cụ thể như sau: Đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô. - Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. - Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 đến 5 tháng. - Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4 đến 6 tháng. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, mức xử phạt như sau: - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ; hoặc điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 đến 5 tháng. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận