Đối với Nhật Bản, bình luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng ông sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan mang tới tín hiệu kép, rằng Mỹ không thay đổi chính sách về Đài Loan và đây cũng là lời cảnh báo đối với Trung Quốc.
Với Nhật Bản, sự an toàn của Đài Loan là rất quan trọng
Trong khi Mỹ đã ký Đạo luật Quan hệ Đài Loan, theo đó sẽ "giúp cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ", nhưng từ lâu Washington luôn chọn cách mơ hồ chiến lược, không làm rõ phản ứng nếu Trung Quốc dùng vũ lực đưa hòn đảo này quay về với đại lục.
Về mặt chính thức, Nhật Bản cũng đi theo con đường tương tự. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Hirokazu Matsuno ngày 24/5 từ chối bình luận về phát biểu của ông Biden, nhưng khẳng định rằng hai nước đồng minh không thay đổi quan điểm về vấn đề Đài Loan.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thưởng trà với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh - Reuters
Dù chưa có phát biểu chính thức nào từ phía Nhật Bản, nhưng một số thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền nước này đã hoan nghênh thông điệp từ ông Biden. Phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ dường như xua tan nghi ngờ về việc liệu Washington có thực sự hành động trong thời điểm Đài Loan khủng hoảng hay không.
Ông Masahisa Sato, cựu thứ trưởng quốc phòng và là một chính khách nổi tiếng cứng rắn của LDP, cho biết trong một bài đăng trên blog: “Nhận xét (của ông Biden-pv) vượt xa chiến lược mơ hồ của các chính quyền Mỹ trước đây. Thông điệp này sẽ góp phần vào hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Trong nội bộ đảng, có rất nhiều lời khen ngợi dành cho động thái này".
Trong một bài đăng trên Twitter, ông Keisuke Suzuki, một cựu thứ trưởng ngoại giao khác của Nhật Bản cũng hoan nghênh đối với thông điệp của ông Biden, coi đây là một tín hiệu "rất quan trọng và kịp thời".
Hãng tin Reuters nhận định, đối với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, người đứng cạnh ông Biden khi nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra phát biểu trên, sự an toàn của Đài Loan là rất quan trọng.
Đài Loan và Nhật Bản đều nằm trong chuỗi đảo có thể chịu ảnh hưởng trong trường hợp Trung Quốc điều động lực lượng. Nếu Trung Quốc kiểm soát được Đài Loan thì đó sẽ là một tình thế đầy đe dọa đối với Nhật Bản.
Ông Tomohiko Taniguchi, người từng là cố vấn cho cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cũng cho rằng thông điệp của ông Biden "nhận được sự chào đón từ phía Nhật Bản, Đài Loan và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Cũng theo ông Taniguchi, “việc ngăn chặn Trung Quốc thực hiện các hành động quân sự mạo hiểm vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất”.
Hiện tại, chủ đề bao trùm trong chuyến thăm châu Á lần này của ông Biden được cho là nhằm đối trọng với ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Quan hệ Trung - Nhật đầy phức tạp
Nhật Bản có mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc. Hiện Bắc Kinh vừa là thị trường xuất khẩu lớn nhất vừa là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Tokyo. Trong nhiều năm qua, các công ty Nhật Bản đã phát triển được một chuỗi cung ứng sâu rộng ở Trung Quốc dù Tokyo muốn giới kinh doanh nước này đưa một số ngành sản xuất về nước.
Hiện tại, một kịch bản leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan có thể sẽ làm gián đoạn các tuyến đường biển Nhật Bản đang sử dụng để vận chuyển hàng hóa ra thế giới và chở dầu từ khu vực Trung Đông về.
Trung Quốc đã thực hiện nhiều cuộc diễn tập xung quanh Đài Loan, bao gồm việc cử máy bay di chuyển vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Mới hôm thứ 6 vừa rồi, Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết, lực lượng không quân của họ đã phát tín hiệu cảnh báo hoạt động của 18 máy bay Trung Quốc trên vùng trời của hòn đảo này.
Bên cạnh đó, số lượng máy bay và tàu của Trung Quốc tại các khu vực gần với Nhật Bản cũng tăng lên.
"Nếu Đài Loan bị kiểm soát, Nhật Bản có thể bị thiệt hại nghiêm trọng vì các tuyến đường biển của chúng tôi gần Đài Loan", ông Katsutoshi Kawano, cựu đô đốc Nhật Bản, người từng giữ chức Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản từ 2015 đến 2019, cho biết.
Tướng lĩnh này cũng cho rằng thông điệp của ông Biden sẽ giúp ngăn chặn Trung Quốc có ý định sử dụng vũ lực với Đài Loan.
Nhật Bản từng bày tỏ quan ngại về vấn đề Đài Loan trong Sách trắng quốc phòng thường niên mới nhất. Tokyo viết rằng họ thấy được "sự khủng hoảng" về vấn đề Đài Loan và mối đe dọa mà các lực lượng Trung Quốc gây ra cho hòn đảo này.
Sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông Kishida cũng cảnh báo tình hình an ninh ngày càng mong manh ở Đông Á.
Về phía Tokyo, nước này cũng đang gia tăng chi tiêu quốc phòng. Chính đảng của ông Kishida đang tìm cách nâng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP.
Dù vậy, họ cũng chưa thể sánh được với tốc độ gia tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc, vốn đã cao gấp gần 5 lần.
Chưa kể, trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản phải hạn chế sử dụng vũ khí tầm ngắn vì hiến pháp hòa bình cấm nước này tiến hành các cuộc chiến tranh với nước ngoài.
Những hạn chế cố hữu về mặt lập pháp này đã buộc Tokyo chỉ có thể dựa vào đồng minh Mỹ khi kịch bản căng thẳng Đài Loan bùng lên. Lúc này, Tokyo chỉ có thể giúp đỡ trong việc đón tiếp lực lượng bên ngoài đến khu vực này và hỗ trợ bổ sung máy bay và tàu chiến cần thiết để đối phó với Trung Quốc trong trường hợp không mong muốn xảy ra.
Cách đây 2 ngày, phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Đài Loan là một phần không thể nhượng lại của Trung Quốc” và “vấn đề Đài Loan là vấn đề nội bộ đối với Trung Quốc”.
“Không nên đánh giá thấp quyết tâm, ý chí kiên định và năng lực tốt của nhân dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và tính toàn vẹn lãnh thổ”, ông Uông nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận