Masuda-no-iwafune (thuyền đá của Masuda) là một tảng đá cự thạch nằm trên đỉnh một ngọn đồi dốc ở làng Asuka, gần ga Okadera, tỉnh Nara, Nhật Bản.
Khu vực này được biết đến với nhiều ngôi chùa, đền thờ và tượng Phật. Có những tượng đài bằng đá trên những ngọn đồi xung quanh làng Asuka rất kỳ lạ, nó không được xây dựng theo bất kỳ phong cách nào. Tượng đài lớn nhất trong số đó được gọi là Masuda-no-iwafune.
Viên đá cự thạch này được phỏng đoán xuất hiện vào thời Kofun (Kofun là một thời kỳ trong lịch sử Nhật Bản kéo dài từ khoảng năm 250 đến năm 538). Có một số hình thù bí ẩn trên tảng đá được sử dụng trong các lăng mộ chôn cất của giới quý tộc Nhật trong thời Kofun. Khu vực này cũng từng là thủ đô của Nhật Bản từ năm 250 đến năm 538 sau Công Nguyên.
Viên đá nằm trên đỉnh đồi dốc và mục đích của nó vẫn là một bí ẩn. “Thuyền đá của Masuda” là viên đá lớn nhất trong số các viên đá ở đây, dài 11m x 8m, cao 4,5m, có trọng lượng khoảng 800 tấn.
“Thuyền đá của Masuda” có liên quan tới hồ Masuda. Đây là một hồ nước gần khu vực này, nhưng nó đã bị hút cạn khi nơi đây phát triển nhanh chóng. Cái tên "thuyền đá" chỉ mô tả các hình chạm khắc ở phía bên trên, trông giống như khoang thuyền và chỗ ngồi của một chiếc thuyền.
Đỉnh đá đã được san phẳng, được đục khoét thành 2 ngăn, 1 cái sâu 1,3m, trong khi cái còn lại sâu hơn, chứa đầy nước mưa bên trong.
Đá cự thạch là một vật liệu khó đục khoét, ngay cả với các công cụ hiện đại. Vì vậy, việc đục khoét trên đá này được xem như một kỳ công kỹ thuật.
Người ta nghi ngờ rằng, việc đục khoét trên đá đã bị bỏ dở khi các vết nứt trên tảng đá được phát hiện. Đây có thể là lý do tại sao một ngăn chứa ít nước mưa hơn ngăn còn lại.
Vị trí hòn đá đang nằm hiện được bao quanh bởi tre, nhưng trong các bức ảnh cũ cho thấy nó nằm trên đỉnh núi nhìn rõ ra toàn khu vực.
Người ta nói rằng, “thuyền đá của Masuda” có một điểm tương đồng nổi bật trong cấu tạo với một bí ẩn bằng đá khác ở Nhật Bản: Ishi-no-Hōden. Mặc dù viên đá này hiện là địa điểm thờ cúng thần Shinto Ōshiko Jinja, nhưng không ai biết người xưa tạc ra với mục đích gì.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận