Ngày 19/5 vừa qua, một người đàn ông giấu tên (54 tuổi) sống ở Tân Cương đến Bệnh viện Sichuan Lithiasis, Thành Đô, Trung Quốc trong tình trạng bị sỏi mật và được bác sĩ gắp ra viên sỏi có kích thước 3cmx1,5cm. Điều kỳ lạ nhất là viên đá này có bề mặt nhẵn mịn, màu sắc đẹp như ngọc.
Bác sĩ Qin Xinglu tại bệnh viện này cho biết, đây là loại sỏi được tạo ra bởi cholesterol, bề mặt màu vàng của nó là do nhuộm màu bởi lecithin và sắc tố mật trong cơ thể bệnh nhân. Điều này thực sự rất hiếm gặp.
“Viên sỏi này giống như viên ngọc bích được phát hiện lần đầu tiên kể từ khi bệnh viện thành lập cách đây 10 năm. Chỉ 1 người trong số 10.000 người mới xuất hiện viên sỏi mật như thế này”, bác sĩ Qin Xinglu chia sẻ.
Bác sĩ Qin Xinglu cho biết, sự hình thành của sỏi mật do nhiều yếu tố như môi trường, di truyền, lối sống cá nhân. Việc cơ thể hấp thụ quá nhiều chất béo, cholesterol có thể gây sỏi mật.
Ăn chay trường cũng có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi mật. Vì vậy, muốn phòng ngừa sỏi mật cần có chế độ ăn uống hợp lý, rau thịt cá đa dạng.
Những điều cần biết về sỏi mật
Sỏi mật là cặn của dịch tiêu hóa, có thể hình thành trong túi mật. Túi mật là một cơ quan nhỏ, hình quả lê ở phía bên phải của bụng, ngay bên dưới gan. Túi mật chứa một chất lỏng tiêu hóa được gọi là mật, nó được tiết vào ruột non.
Sỏi mật có kích thước từ hạt cát đến bằng quả bóng golf. Một số người chỉ hình thành 1 viên sỏi mật, trong khi những người khác có nhiều viên cùng một lúc.
Bệnh nhân gặp các triệu chứng sỏi mật gây ra thường được yêu cầu cắt bỏ túi mật. Nếu sỏi mật không gây ra bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng gì, nó không cần điều trị.
1. Triệu chứng
Sỏi mật có thể không gây ra dấu hiệu hoặc triệu chứng gì. Nếu sỏi mật nằm trong ống dẫn và gây tắc nghẽn, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau đột ngột và dữ dội ở phần trên bên phải của bụng hoặc ở giữa bụng, ngay dưới xương ức.
- Đau lưng.
- Đau vai phải.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
Cơn đau do sỏi mật gây ra có thể kéo dài vài phút đến vài giờ.
2. Nguyên nhân
Không rõ nguyên nhân hình thành sỏi mật nhưng các bác sĩ cho rằng các yếu tố sau có thể gây ra:
- Mật chứa nhiều cholesterol
Thông thường, mật hòa tan cholesterol do gan bài tiết ra ngoài. Nhưng nếu gan bài tiết nhiều cholesterol hơn lượng mật có thể hòa tan, lượng cholesterol dư thừa có thể hình thành tinh thể và cuối cùng thành sỏi.
- Mật chứa quá nhiều bilirubin
Bilirubin là một chất hóa học được tạo ra khi cơ thể phá vỡ các tế bào hồng cầu. Có một số điều kiện khiến gan tạo ra quá nhiều bilirubin như xơ gan, nhiễm trùng đường mật và các rối loạn về máu. Bilirubin dư thừa góp phần hình thành sỏi mật.
- Túi mật không làm rỗng
Nếu túi mật không rỗng hoàn toàn hoặc thường xuyên, mật có thể bị cô đặc, góp phần hình thành sỏi mật.
3. Các loại sỏi mật
Các loại sỏi mật có thể hình thành trong túi mật bao gồm:
- Sỏi mật cholesterol
Loại sỏi mật phổ biến nhất được gọi là sỏi mật cholesterol, thường có màu vàng. Những viên sỏi mật này được cấu tạo chủ yếu từ cholesterol không hòa tan, nhưng có thể chứa các thành phần khác.
- Sỏi mật sắc tố
Những viên sỏi màu nâu sẫm hoặc đen được hình thành khi mật chứa quá nhiều bilirubin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận