Mức tăng lương tối thiểu của Việt Nam đang tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng năng suất lao động |
Tại Hội thảo Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam, sáng 13/9, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định: “Có thể nói tới thời điểm này chính sách tăng lương tối thiểu đang thất bại”.
Ông Thành dẫn giải từ kết quả báo cáo tăng trưởng tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam cho thấy: Trong hơn một thập kỷ gần đây (2004-2016), lương tối thiểu đã tăng liên tục, với tốc độ khá nhanh tại Việt Nam. Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước láng giềng, mức tăng lương tối thiểu đã làm gia tăng mối lo ngại về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung.
“Trong giai đoạn 2004-2015, năng suất lao động của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động. Mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Thành nói.
Báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra sự bất cập trong công thức, cơ sở điều chỉnh lương tối thiểu. “Trên thực tế, tỷ lệ điều chỉnh lương tối thiểu được tính toán bởi các thành viên của tổ kỹ thuật dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, có thể kể đến CPI, tăng trưởng GDP, nhu cầu cơ bản của người lao động và các yếu tố khác. Tuy nhiên, làm thế nào để đo lường nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, cũng như việc xác định các tiêu chí quan trọng nhất vẫn còn nhiều tranh cãi”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Xét về tổng thể nền kinh tế, Báo cáo của VEPR khẳng định: Tăng lương tối thiểu dẫn đến tăng lương trung bình, giảm việc làm và giảm lợi nhuận. Trung bình, lương tối thiểu tăng 1% có thể khiến lương trung bình tăng 0,32% và lao động giảm 0,13%.
Ngoài ra, khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận (đo bằng lợi nhuận trên doanh thu) sẽ giảm 2,3 điểm phần trăm. Thêm vào đó, hệ thống lương tối thiểu hiện nay dường như không bao hàm đầy đủ các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội (50% người lao động không có hợp đồng lao động).
Điều này cho thấy việc áp dụng lương tối thiểu như một chính sách bảo trợ xã hội (nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và giảm nghèo) có thể không phát huy tính hiệu quả.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) |
Theo ông Thành, việc tăng lương tối thiểu không đúng với tăng năng suất lao động không chỉ kìm hãm tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới người lao động. “Lương tối thiểu tăng không hợp lý buộc DN phải cắt giảm sa thải lao động, khi đó sẽ đẩy người lao động vào khu vực phi chính thức, không được hỗ trợ về mặt chính sách”, ông Thành lý giải và nhận định: “Tăng lương tối thiểu không đúng với ”Lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở năng suất lao động. Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn. Vì thế, đã đến lúc Chính phủ cần lựa chọn mục tiêu thúc đẩy năng suất như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn".
Trước kết quả nghiên cứu trên, nhiều chuyên gia cho rằng phạm vi nghiên cứu khá hẹp, chưa có góc nhìn toàn diện đầy đủ về tác động của việc tăng lương tối thiểu tới các khu vực, ngành nghề kinh tế; báo cáo tiếp cận từ phía doanh nghiệp nhiều hơn thay vì phải tìm hiểu đời sống người lao động. "Năng suất lao động được đề cập trong báo cáo là năng suất lao động xã hội là chưa thỏa đáng. Cần phải đánh giá tỷ lệ tăng tiền lương tối thiểu so với chỉ số năng suất lao động công nghiệp...Chúng ta cũng đang nhầm lẫn 2 khái niệm lương tối thiểu với tốc độ tăng lương tối thiểu. Tới nay sau rất nhiều lần trì hoãn, tiền lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống của người lao động. Thực tế chỉ 16% người lao động hiện nay có tích lũy, đa phần còn lại đang phải sống tằn tiện khốn khổ", ông Mai Đức Chính, Phó Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận