Ai đã xây dựng quy trình sản xuất kit test Việt Á?
Ban hành cáo trạng vụ án liên quan Công ty Việt Á và nhóm cựu sĩ quan Học viện Quân y, Viện Kiểm sát (VKS) Quân sự Trung ương truy tố Phan Quốc Việt (SN 1980, cựu Tổng giám đốc Công ty Việt Á) về các tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị can Trịnh Thanh Hùng (SN 1966, cựu Vụ phó Vụ Các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học Công nghệ) và Hồ Anh Sơn (SN 1976, cựu thượng tá, cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y) bị truy tố Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bốn bị can còn lại, gồm các cựu sĩ quan Học viện Quân y và cựu nhân viên Công ty Việt Á cùng bị truy tố do Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, ngày 21/1/2020, ông Hồ Anh Sơn trình thiếu tướng Hoàng Văn Lương (khi đó là Phó giám đốc Học viện Quân y) ký công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về việc đề xuất nhiệm vụ phát triển kít chẩn đoán viêm phổi do virus Corona. Nhận được văn bản này, ông Trịnh Thanh Hùng đã trao đổi thống nhất với Phan Quốc Việt nhằm cho Việt Á tham gia đề tài.
Sau đó, ông Hùng yêu cầu Hồ Anh Sơn bổ sung Công ty Việt Á tham gia đề tài, nên ông Sơn sửa lại phiếu đề xuất, đưa tên công ty vào để cấp trên phê duyệt trước khi chuyển đến Bộ KH&CN. Theo đó, Việt Á được giao chế tạo bộ sinh phẩm kit xét nghiệm Covid-19.
Khoảng cuối tháng 1/2020 và đầu tháng 2/2020, Hồ Thị Thanh Thủy (Phó tổng giám đốc Việt Á, vợ của Phan Quốc Việt) nghiên cứu, tối ưu từ các tài liệu do Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và một số nước khác công bố trên internet) và xây dựng quy trình sản xuất kit test. Sau đó, Việt chỉ đạo Thủy mang kit test đi đánh giá, thử nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho kết quả đạt.
Đến ngày 3/3/2020, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 thông qua quy trình do Học viện Quân y nghiên cứu nhưng dựa trên kết quả đánh giá bộ kit test Công ty Việt Á cung cấp. Từ đó, các đơn vị làm thủ tục để Bộ Y tế cấp phép cho sử dụng phòng, chống dịch.
VKS Quân sự cáo buộc đầu tháng 12/2020, sau khi được Bộ Y tế cấp phép, Phan Quốc Việt đã đưa bồi dưỡng ông Trịnh Thanh Hùng hai lần với tổng số tiền 350.000 USD.
"Phan Quốc Việt chỉ đạo Vũ Đình Hiệp thông qua việc chi % tiền ngoài hợp đồng mua kit của Học viện Quân y để chia sẻ lợi nhuận đề tài cho Hồ Anh Sơn là 2,49 tỷ đồng", cáo trạng nêu rõ.
Chi tiền tỷ nhưng không ghi chép sổ sách
Ngoài ra, VKS còn cho rằng Phó tổng giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp đã chi phần trăm hoa hồng cho một số cán bộ khác của Học viện Quân y, như chi cho ông Nguyễn Văn Hiệu (cựu Trưởng phòng Trang bị - Vật tư) hơn 3,5 tỷ và Ngô Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng Tài chính) hơn 1 tỷ. Hiện các bị can đã nộp lại số tiền này.
Trong các ngày 22/10/2021, 29/10/2021 và 25/12/2021, Hội đồng nghiệm thu sản phẩm, quy trình của Học viện Quân y và Hội đồng cấp cơ sở đều nghiệm thu, thông qua và đánh giá kết quả đề tài ở mức đạt.
Tuy nhiên, cơ quan tố tụng đánh giá thực chất, việc các hội đồng tổ chức nghiệm thu chỉ mang tính hình thức và không đúng bản chất. Bởi lẽ, sản phẩm để chứng minh cho kết quả nghiên cứu đề tài không được sản xuất theo quy trình nghiên cứu và cũng không rõ nguồn gốc, sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép phục vụ phòng, chống dịch trước khi nghiệm thu đề tài.
Cũng theo cáo trạng, trong tháng 2/2020, Bộ KH&CN chuyển 18,98 tỷ cho Học viện Quân y thực hiện đề tài. Nhận được tiền, phía học viện đã ký hợp đồng với Công ty Việt Á về việc bàn giao vật tư, sinh phẩm, hóa chất trị giá 9,8 tỷ và 1 tỷ tiền công để Công ty Việt Á chế tạo 20.000 kit test các loại.
Riêng phía học viện trực tiếp sử dụng 8,18 tỷ đồng (gồm gần 3 tỷ trả công lao động và hơn 5 tỷ mua nguyên vật liệu và chi khoản khác). Theo VKS, quá trình ứng hàng mua bán, sử dụng hóa chất, bị can Hồ Anh Sơn không có sổ sách ghi chép, dẫn đến không theo dõi được số nguyên vật liệu đã mua, sử dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận