Xã hội

Việt Nam bỏ ra và thu lại bao nhiêu tiền khi tổ chức Thượng đỉnh Mỹ- Triều?

01/03/2019, 15:28

Theo người phát ngôn Chính phủ, Việt Nam thu được rất nhiều khi đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội vừa qua.

img
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019

Chiều 1/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019.

Tại cuộc họp, báo chí đã đặt câu hỏi cho người phát ngôn Chính phủ về những thông tin liên quan việc Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

Nhắc lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất tổ chức tại Singapore, báo chí cho biết Singapore khi đó bỏ ra chi phí là 20 triệu USD và thu lại được 500 triệu USD. Vậy Việt Nam thống kê kinh phí bỏ ra và thu lại thế nào? Việc huy động nguồn lực xã hội hoá ra sao?.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng - người phát ngôn Chính phủ khẳng định, chúng ta thu được rất nhiều từ việc là nước đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, trong đó có những cái nhìn thấy và cái không thể nhìn thấy.

Nhưng điều được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh là chúng ta tự hào khi cả nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều chọn Việt Nam, bởi điều này cho thấy vị trí và vai trò của Việt Nam rất quan trọng trong sự đóng góp đối với hoà bình của thế giới và khu vực.

Người phát ngôn Chính phủ đánh giá, chúng ta tổ chức sự kiện này hết sức hoàn hảo, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ chính trị và Thủ tướng là bảo đảm những gì tốt nhất cho Hội nghị.

Sau khi tổ chức, cái chúng ta thu được là hình ảnh con người Việt Nam được cả thế giới biết đến. Bân cạnh đó là sự tin cậy rất lớn của các nhà lãnh đạo các nước đối với Việt Nam, trong đó có hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Người ta biết đến Việt Nam với sự hiếu khách, trọng thị, trách nhiệm.

Ngay việc sắp xếp lịch trình cho hoạt động của Hội nghị Thượng đỉnh cũng không đơn giản, nếu lịch trình sắp xếp không tốt sẽ xảy ra sơ xuất, và cũng rất có thể một hoạt động nào đó bị huỷ, tuy nhiên, theo ông Dũng, chúng ta đã làm rất tốt việc này và cả hai nhà lãnh đạo hai nước Mỹ - Triều Tiên đều hài lòng.

Ngay cả vấn đề ẩm thực, đồ ăn, đặc biệt là công tác phục vụ cho truyền thông, báo chí cũng đều được bảo đảm từ việc cung cấp đầy đủ thông tin, thiết bị, đường truyền, wifiKhông có ý kiến nào phản ánh về chất lượng hạ tầng thông tin tại trung tâm báo chí phục vụ cho sự kiện.

Về chi phí, người phát ngôn Chính phủ cho biết chưa có tổng hợp nhưng ông nghĩ là “không nhiều”. Tinh thần được ông nhấn mạnh là tiết kiệm và lấy thu bù chi, hạn chế tối đa việc dùng ngân sách Nhà nước. “Chúng ta làm tốt nhất những gì có thể nhưng cũng thu lại tốt nhất có thể để bù những chi phí bỏ ra” – ông Dũng nói.

Người phát ngôn Chính phủ thông tin thêm, trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tham quan thủ đô Hà Nội và một số DN trong nhiều lĩnh vực họ hỏi rằng tại sao Việt Nam làm được như thế. Theo ông Dũng, đó là vì chúng ta đã gác lại những quá khứ, lịch sử, gác lại chiến tranh, hận thù để phát triển kinh tế. Đây là mô hình mà Triều Tiên cũng có thể thực hiện được, và rất có ý nghĩa với nước này.

Về những vấn đề giữa Mỹ và Triều Tiên, ông Dũng cho rằng cần tiếp tục bàn thảo trong những hội nghị tiếp theo, không thể một chốc một lát nói rằng mọi vấn đề có thể bày lên bàn giải quyết ngay. Quan trọng nhất là hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau trong một không khí rất cởi mở, những câu chuyện này sẽ là tiền đề cho những hội nghị tiếp theo để giải quyết các vấn đề của bán đào Triều Tiên” – ông Dũng nói.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội kết thúc trưa 28/2 mà không có thỏa thuận nào được ký kết do hai bên bất đồng về lệnh trừng phạt.

Ngay sau khi rời Hội nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở về khách sạn Marriott nơi ông đang lưu trú và tổ chức một cuộc họp báo. Ông đã trả lời rất nhiều câu hỏi của các phóng viên quốc tế xung quanh những nội dung của Hội nghị Thượng đỉnh.

Tổng thống Mỹ cho biết trong cuộc gặp với ông, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un muốn các lệnh trừng phạt Triều Tiên được dỡ bỏ nhưng Mỹ chưa sẵn sàng làm điều này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết trong cuộc họp báo sau đó, Triều Tiên đã đưa ra những đề xuất thiết thực, chỉ đề xuất dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt chứ không phải toàn bộ như thông tin mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói.

Ngoại trưởng Triều Tiên cho hay, quốc gia này đang phải chịu 11 lệnh cấm vận và chỉ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ 5 lệnh cấm vận - là các lệnh cấm bắt đầu áp trong các năm 2016, 2017 đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như nền kinh tế của Triều Tiên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.