Phát thải khí CO2 gia tăng nhanh
Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra ngày 10/11, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Việt Nam phải chú trọng đến yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh gắn với mục tiêu giảm thiểu và với thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, trong bối cảnh Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết "Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050", càng cần thiết phải có những đề xuất về giải pháp thực tế, hiệu quả.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt ra yêu cầu “ưu tiên phát triển những nguồn điện năng lượng tái tạo" trong đó có điện gió
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu thực tế, tổng phát thải khí CO2 gia tăng nhanh chóng, bình quân đầu người hàng năm ở mức 1,96 tấn năm 2015 đã tăng lên 2,95 tấn vào năm 2019. Phát thải năng lượng trên USD GDP tăng từ 1,4 kg dầu quy đổi (KgOE) năm 2015 lên 1,8 kg dầu quy đổi (KgOE) năm 2019.
"Mô hình phát triển năng lượng với cơ cấu các nguồn năng lượng truyền thống, hoá thạch chiếm tỷ lệ cao đã và đang gây nên những tác động tiêu cực đến môi trường. Việc sử dụng năng lượng thời gian qua chưa hiệu quả, chưa đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững", ông Hiển nói.
Do đó, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt ra yêu cầu “ưu tiên phát triển những nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) và năng lượng mới”...
4 điểm chính của cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 gồm: Nhanh chóng mở rộng quy mô của điện sạch; Loại bỏ điện than vào thập niên 2030 đối với các nền kinh tế lớn, và vào thập niên 2040 trên toàn cầu; Ngừng cấp giấy phép mới, xây dựng mới, và hỗ trợ mới hay trực tiếp từ chính phủ cho các dự án điện than; Tăng cường nỗ lực trong nước và quốc tế để đảm bảo khuôn khổ mạnh mẽ để thực hiện quá trình chuyển dịch công bằng.
Cần hỗ trợ về công nghệ, tài chính của các quốc gia, tổ chức trên thế giới
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tao (Bộ Công thương) khẳng định, Việt Nam nỗ lực chuyển dịch nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh.
Nguồn điện sẽ được chuyển dịch theo hướng đa đạng, tập trung khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới và NLTT với cơ cấu hợp lý.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc chuyển dịch nguồn năng lượng để phát triển bền vững là một lộ trình nhiều khó khăn, thách thức đối với Việt Nam, cần có hỗ trợ về công nghệ, tài chính của các quốc gia, tổ chức trên thế giới...
Đại diện World Bank Chu Bá Thi cho rằng, để đạt Net Zero vào năm 2050 thì cần vốn rất lớn đầu tư cho tích trữ và truyền tải, công nghệ... Kết quả tính toán cho thấy, chi phí hệ thống của kịch bản tổng sơ đồ điện 8 (Quy hoạch điện VIII) tăng 30%, còn kịch bản Net Zero tăng thêm 70% nữa.
Ngoài chi phí hệ thống tăng thì còn phải đóng cửa sớm khoảng 18 GW điện than, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của người lao động, giá điện cũng sẽ tăng. Bù đắp chi phí tăng, cần 19 tỷ USD để giữ giá điện theo kịch bản thông thường và hàng năm cần 1 tỷ USD để đầu tư cho ngành điện.
"Để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần hỗ trợ nhiều từ quốc tế, đặc biệt là về công nghệ và các nguồn vốn ODA giá thấp", ông Thi nói và cho biết World Bank sẽ đồng hành và cam kết hỗ trợ tài chính cho Việt Nam để thực hiện cam kết này.
Tuy nhiên, để tích hợp tối đa nguồn điện NLTT thì cần đầu tư thích đáng hạ tầng lưới điện cao thế, hạ tầng điều độ tối ưu, trí tuệ nhân tạo, hệ thống dự trữ năng lượng như thủy điện tích năng, pin tích trữ; Từng bước nghiên cứu công nghệ mới như hydro, thu hồi khí carbon, các tổ máy linh hoạt ICE...
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về quy hoạch điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2045 (quy hoạch điện VIII). Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương hoàn thiện lại quy hoạch này, sau khi bộ đã chỉnh sửa và trình cấp có thẩm quyền.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng lưu ý, các điểm sửa đổi để hoàn thiện quy hoạch (nguồn, lưới điện, giá điện...) cần được lấy ý kiến rộng rãi, công khai các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học trong, ngoài nước thông qua tổ chức hội thảo góp ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận