Đó là ý kiến của chuyên gia về khả năng của Việt Nam khi mới đây một bệnh nhân mắc HIV người Đức và cũng là bệnh nhân thứ 3 trên thế giới vừa được công bố chữa khỏi căn bệnh thế kỷ nhờ ghép tế bào gốc.
Liên tiếp tin vui với bệnh nhân HIV nhờ ghép tế bào gốc
Thông tin 2 ca nhiễm HIV được chữa khỏi bệnh bằng phương pháp ghép tế bào gốc liên tiếp đến trong mấy ngày qua khiến các bệnh nhân mắc căn bệnh này vui mừng. Đây cũng là tin vui đối với cả cộng đồng khoa học và y học trên toàn thế giới.
Đầu tiên là một người đàn ông sống tại Berlin, Đức mắc bệnh bạch cầu và nhiễm HIV được chữa khỏi nhờ ghép tế bào gốc vào năm 2007. Để điều trị căn bệnh bạch cầu, các bác sĩ đã giết chết (loại bỏ) tất cả các tế bào miễn dịch trong cơ thể của bệnh nhân bằng phương pháp xạ trị. Sau đó thay thế chúng bằng các tế bào mới, được hiến tặng từ một người có khả năng kháng nhiễm HIV tự nhiên. Trong gen của người này có một đột biến hiếm gặp, được gọi là CCR5.
Sau hơn 12 năm, ca bệnh nhân thứ 2 là một người Anh cũng vừa được công bố chữa khỏi căn bệnh HIV, bằng phương pháp ghép tế bào gốc. Và gần đây nhất, một trường hợp tương tự cũng được báo cáo bởi các nhà nghiên cứu đang điều trị cho một bệnh nhân nhiễm HIV tại Đức. Phương pháp điều trị vẫn là ghép tế bào gốc, thông qua việc ghép tủy xương. Đây là bệnh nhân thứ ba trên toàn thế giới được chữa khỏi HIV.
Được biết, các nhà nghiên cứu đang tiếp tục theo dõi một vài bệnh nhân HIV khác và sẽ tiến hành việc ghép tủy xương của người có đột biến gen CCR5. Ghép tủy xương không được sử dụng cho những bệnh nhân không đồng thời mắc bệnh ung thư, vì nó có những rủi ro đáng kể. Việc chỉ định điều trị được xem xét một cách kỹ lưỡng, và nhiều khi như là sự lựa chọn cuối cùng.
Nhưng thực tế đã cho thấy đây là phương pháp hữu hiệu nhất để có thể giúp chữa khỏi căn bệnh thế kỷ HIV.
Cân nhắc trong ghép tế bào gốc
Trao đối với PV Báo Giao thông, PGS. TS. BS. Trần Huy Thịnh (ĐH Y Hà Nội) cho biết: “Ghép tế bào gốc chữa trị các bệnh lý ác tính về máu được ứng dụng từ nhiều năm nay. Ngoài ra, ghép tế bào gốc cũng được thực hiện trong điều trị 1 số bệnh lý ung thư hệ thống bạch huyết, hay suy giảm miễn dịch. Bệnh nhân có thể được ghép tế bào gốc tự thân hoặc ghép tế bào gốc đồng loài. Và nguồn tế bào gốc thường được lấy từ tủy xương, cuống rốn... những nơi có lượng tế bào gốc phong phú”.
Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV-AIDS, Bộ Y tế, việc điều trị ARV mang lại sức khỏe, giảm tử vong, nâng cao tuổi thọ cho người nhiễm HIV. Điều trị ARV cũng giúp giảm lây truyền HIV do khi điều trị bằng thuốc ARV số lượng virus HIV trong máu của người nhiễm HIV giảm xuống mức thấp. Khoa học đã chứng minh khi tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện tức dưới 200 bản sao/ml máu sẽ không có lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV nếu được điều trị ARV sớm thì có đến 98% trẻ em sinh ra không bị nhiễm HIV. Điều trị ARV sớm còn đem lại lợi ích kinh tế cho bệnh nhân và xã hội.
Trong quá trình ghép, bệnh nhân được loại bỏ hoàn toàn các tế bào ác tính, ghép tế bào gốc, tạo ra các dòng tế bào mới thay thế, phục hồi cho cơ thể.
Tuy nhiên, trong ghép tế bào gốc cũng có những nguy cơ xảy ra như mảnh ghép không mọc hay nhiễm khuẩn… và dẫn đến nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Hiện tỷ lệ thành công ghép tế bào gốc tạo máu và điều trị là khoảng 40-60%. “Chính vì điều đó, việc lựa chọn ghép tế bào gốc trong điều trị cần được cân nhắc cẩn thận và thường chỉ sử dụng khi bệnh nhân không có cơ hội điều trị nào khác tốt hơn”, ông Thịnh cho biết.
Hiện, Việt Nam đã thực hiện ghép tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý huyết học và đã có nhiều ca thành công. Ghép tế bào gốc cũng mang lại cơ hội điều trị với một số bệnh lý khác.
Liên quan đến ghép tế bào gốc trong điều trị HIV như đã nhắc ở trên, ông Thịnh lý giải: “Đối với các trường hợp nhiễm HIV, bản chất là virus HIV tấn công các tế bào miễn dịch, gây suy giảm hệ miễn dịch. Do vậy, bệnh nhân nhiễm HIV thường không bị tử vong vì virus HIV đó mà thường tử vong do các bệnh nhiễm trùng khi bị suy giảm miễn dịch gây nên như lao phổi, tiêu chảy, nhiễm khuẩn ngoài da…
Bản thân tế bào miễn dịch được sản xuất bởi cơ quan tạo máu và với nguyên lý ghép tế bào gốc thì người ta hoàn toàn có khả năng thay thế các tế bào của cơ quan tạo máu để tạo ra các tế bào miễn dịch mới hoàn toàn, khôi phục thể trạng cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu virus HIV vẫn còn trong cơ thể, thì dù thay tế bào mới vào nó sẽ lại tiếp tục tấn công. Vậy không đảm bảo yêu cầu chữa khỏi. Nghiên cứu trên thế giới tìm ra một số cơ chế và một số loại đột biến miễn nhiễm với virus HIV, ví như đột biến gen CCR5 có khả năng kháng lại virus HIV. Như vậy, ghép tế bào gốc có mang gen đột biến CCR5, sẽ có cơ hội chữa khỏi bệnh HIV”.
Trước câu hỏi “liệu Việt Nam có thể ứng dụng phương pháp ghép tế bào gốc trong chữa trị HIV”, PGS. Thịnh cho hay: “Việc có ứng dụng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví như, nguồn cho tế bào gốc có chứa gen đột biến CCR5; những tiến bộ trong công nghệ ghép tế bào gốc để nâng cao tỷ lệ thành công của phương pháp, hệ thống các văn bản pháp luật đưa ra những quy định, hướng dẫn cụ thể trong việc ứng dụng ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh…”.
“Còn khá nhiều rủi ro và tỷ lệ thành công trong ghép tế bào gốc chưa cao nên giải pháp này thường chỉ ứng dụng ở những bệnh nhân có những đặc điểm bệnh lý phù hợp. Việc lựa chọn điều trị cần được cân nhắc hết sức cẩn thận. Do vậy với bệnh nhân HIV, vẫn có thể dùng thuốc và duy trì cuộc sống bình thường trong nhiều năm, thì giải pháp này cần cân nhắc kỹ càng giữa rủi ro và với lợi ích mang lại”, ông Thịnh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận