Xã hội

Việt Nam chịu tác động nhiều bởi El Nino

30/11/2015, 07:07

Hạn hán ở Việt Nam ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh, gần 40 nghìn ha phải dừng sản xuất...

3
Ảnh hưởng của El Nino khiến tình trạng hạn hán tăng cao (Trong ảnh: Huyện ven biển Ninh Hải, Ninh Thuận sau cơn mưa giữa năm 2015 cũng chỉ có chút ít nước đọng lại bởi thiếu nước lâu ngày) - Ảnh: Trọng Đạt, TTXVN

Năm 2015, hạn hán ở Việt Nam ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh, gần 40 nghìn ha phải dừng sản xuất do thiếu nước, diện tích cây trồng bị hạn lên tới 122 nghìn ha và hàng chục nghìn người bị thiếu nước sinh hoạt.

Đây là nhận định về tác động của thiên tai trong báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai và giải pháp phòng, chống hạn hán năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của El Nino tại cuộc họp ngày 31/10.

Ảnh hưởng của hiện tượng El Nino làm nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa dẫn đến hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các khu vực Trung bộ, Tây Nguyên, Nam bộ và hiện tượng mùa đông ấm ở khu vực miền núi, Trung du và Đồng bằng Bắc bộ.

El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta từ cuối năm 2014 và có khả năng tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2016, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai nhận định.

Từ đầu năm đến nay, lượng mưa khu vực Nam Trung bộ thiếu hụt 30-50% so với trung bình nhiều năm, còn khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ thiếu hụt 10 - 20%. Về lượng dòng chảy, ở khu vực Bắc bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 70%, khu vực Trung bộ và Tây Nguyên thiếu hụt 20-60%, có nơi đến hơn 80% như Nghệ An và Khánh Hòa.

Dự báo từ nay đến tháng 4/2016, nền nhiệt độ trên cả nước có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5OC.

Thủy điện lao đao

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Trung, miền Nam tính đến thời điểm hiện nay thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 11,1 tỷ m3 và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014 khoảng 11,4 tỷ m3 (tương đương 74,6%).

Để các hồ chứa tích nước đến mực nước bình thường, từ nay đến hết năm 2015 cần phải tích thêm nước, nhưng với diễn biến thủy văn như hiện nay thì việc này là rất khó khăn. Một số hồ như: Thác Bà, Quảng Trị, A Vương, Ka Năk, Đại Ninh… có thể không tích được đến mực nước dâng bình thường. Ngay cả trong trường hợp không huy động phát điện trong thời gian tới, tổng lượng nước dự kiến tích đến ngày 31/12/2015 còn thiếu so với dung tích hồ ở mực nước dâng bình thường khoảng 1,1 tỷ m3.

Theo Bộ Công thương, để chủ động thực hiện đảm bảo cung cấp điện năm 2016, từ tháng 9/2015, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN triển khai công tác tính toán, lập kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2016.

Theo báo cáo của EVN, dự kiến năm 2016, nguồn điện sẽ có 3.893 MW được đưa vào vận hành, trong đó thủy điện là 2.081 MW và nhiệt điện là 1.380 MW. Một số nguồn điện lớn dự kiến đưa vào vận hành năm 2016 gồm tổ máy số 2 và 3 thủy điện Lai Châu, tổ máy số 2 thủy điện Huội Quảng với tổng công suất là 1.060 MW, tổ máy số 1 và 2 nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 với tổng công suất 1.200 MW.

4
Cây trồng khô héo do thiếu nước

Đối diện với thiếu nước, mất mùa

Cũng theo Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi ở khu vực miền núi phía Bắc, Trung du và Đồng bằng Bắc bộ phần lớn đã đạt trên 90% thiết kế, nhiều hồ đã đầy nước; các hồ chứa thủy điện tham gia điều tiết nước cho hạ du sông Hồng phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ (các hồ Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang) đang được trữ đầy nước. Tuy nhiên, lượng dòng chảy đến hồ dự báo bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Ở vùng miền núi phía Bắc, mặc dù có lượng nước dự trữ tương đối khá nhưng diện tích phục vụ tưới không nhiều do phần lớn các hồ chứa có dung tích nhỏ. Do vậy, những diện tích canh tác lấy nước tưới từ sông, suối (nhờ các đập dâng nhỏ) hoặc canh tác nhờ nước trời có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước ở vụ Đông Xuân 2015-2016.

Ở vùng Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, dòng chảy hạ du sông Hồng sẽ được bổ sung từ các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, bảo đảm đủ phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2015 - 2016 (tháng 1, 2/2016). 

Mặc dù vậy, trong tháng 3, 4/2016, có khả năng xảy ra thiếu nước tưới do các nhà máy thủy điện giảm công suất. Ngoài ra, hiện tượng mùa đông ấm sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa, có nguy cơ giảm năng suất, thậm chí mất mùa.

Tại khu vực Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, khả năng xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lúa Đông Xuân, Xuân Hè, cây công nghiệp ngắn ngày, rau màu làm giảm năng suất hoặc mất trắng do thiếu nước, nhất là các vùng ven biển.

Đặc biệt, năm 2015 mưa đến muộn khoảng 30 ngày nên một số vùng xuống giống muộn vụ Hè Thu 2015 dẫn đến khả năng thời kỳ lúa đứng cái - làm đòng muộn theo khiến lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 rơi vào thời kỳ nhiễm mặn gay gắt, nguồn nước thiếu hụt. Chưa kể về nuôi trồng thủy sản (nhất là tôm) bị thiệt hại hoặc giảm năng suất do không có nguồn nước ngọt pha loãng nồng độ mặn phù hợp, độ mặn quá cao vượt ngưỡng giới hạn chịu đựng của tôm, ô nhiễm môi trường tăng...

Tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt có khả năng xảy ra ở các vùng ven biển, các cù lao, cửa sông (Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang; Hòa Minh, Trà Vinh; Cù Lao Dung, Sóc Trăng, các huyện ven biển tỉnh Bến Tre).

Hỗ trợ dân chống chọi hạn hán

Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giải pháp trước mắt về hỗ trợ các địa phương triển khai những biện pháp phòng, chống hạn hán năm 2016 như: Mở rộng phạm vi hỗ trợ kinh phí vượt định mức cho các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi, các địa phương chủ động thực hiện giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn.

Những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ các địa phương kinh phí bơm nước (điện, dầu), nạo vét cửa lấy nước, kênh trục chính. Tuy nhiên, phạm vi được hỗ trợ như trên chưa bảo đảm các địa phương chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống hạn hán hiệu quả như xây dựng đập tạm, cống bọng để trữ nước, ngăn mặn, đào ao, giếng, nạo vét hệ thống kênh nội đồng... chưa phù hợp với thực tế vùng, miền (các địa phương khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc).

Do vậy, trong thời gian tới cần có sự hỗ trợ hơn nữa cho những vùng phải dừng sản xuất do không đủ nguồn nước tưới; hỗ trợ kinh phí chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng cạn ở những vùng bị hạn hán nặng; hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa khẩn cấp các công trình cấp nước sạch, vận chuyển nước sinh hoạt, phục vụ người dân các vùng bị khô, hạn, thiếu nước sinh hoạt; hỗ trợ kinh phí mua thức ăn, nước uống chăn nuôi cho vật nuôi ở những vùng khô hạn nặng...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.