Hạ tầng

Việt Nam có đang lẫn lộn giữa "đường sắt đô thị" và "Metro"?

29/09/2020, 16:19

Theo chuyên gia, Metro là loại hình tàu điện đô thị đi ngầm, trong khi tuyến Nhổn - ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên chủ yếu đi trên cao.

img
Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm

“Metro” hoàn toàn khác với “đường sắt đô thị”

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang được vận chuyển từ Pháp về nước, dự kiến sẽ về dự án vào cuối tháng 10/2020.

Tương tự, theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, dự kiến đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) cũng được đưa từ Nhật Bản về nước trong tháng 10/2020.

Về cấu trúc tuyến, cả hai tuyến đường sắt trên đều kết hợp đi trên cao và đi ngầm. Trong đó, tuyến Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, với 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm; tuyến Bến Thành - Suối Tiên dài gần 19,7km, với 17,1km đi trên cao và 2,6km đi ngầm.

Liên quan đến tên gọi, trên trang thông tin điện tử của hai đơn vị trên thường dùng cả tên gọi “đường sắt đô thị” và “Metro” với tuyến hoặc đoàn tàu. Dù việc đặt tên tên không gây ảnh hưởng đến dự án, song từ góc độ kỹ thuật, có ý kiến cho rằng việc gọi các dự án trên là “Metro” không phản ánh đúng loại hình đường sắt theo thông lệ thế giới.

Theo GS.Từ Sỹ Sùa, giảng viên Trường Đại học GTVT, khái niệm “Metro” hoàn toàn khác với “đường sắt đô thị”.

“Metro hay còn gọi tàu điện ngầm khác hẳn với đường sắt đô thị. Đường sắt đô thị có cấu đoàn tàu 3 toa, tốc độ 30-45km/h, còn tàu điện ngầm ít nhất phải 7 toa, trong khu vực trung tâm phải hoàn toàn đi ngầm”, GS. Sùa phân tích.

Cũng theo GS. Từ Sỹ Sùa, các tuyến đường sắt đang xây dựng hoặc được đề xuất xây dựng tại Hà Nội như: Nhổn - ga Hà Nội, Văn Cao - Hòa Lạc (hơn 38km, kết hợp ngầm và đi trên mặt đất) không phải là Metro.

img
Đoàn tàu của tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên còn được đơn vị quản lý dự án gọi là đoàn tàu tuyến Metro số 1

Tên gọi Metro chỉ thông dụng, dễ nhớ

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Ân, chuyên gia lĩnh vực đường sắt cho biết, trên thế giới có hai tên gọi thông dụng cho đường sắt đô thị là Metro và Skytrain.

Theo đó, Metro nhằm chỉ tuyến tàu điện đi ngầm, hoặc đi ngầm là chủ yếu. Còn Skytrain là chỉ tuyến tàu đi trên cao so với mặt đất, được đỡ bằng các kết cấu dạng như cầu cạn.

Ngoài ra, các đoàn tàu liên kết trung tâm với các vùng ngoại ô phụ cận được gọi là tàu ngoại ô (Urban- Train). Các tuyến tàu ngoại ô thường liên kết với các tuyến Metro theo hình thức khách xuống ga, đổi sang tàu khác để đi tiếp. Tàu các tuyến ngoại ô có thể dùng sức kéo bằng điện hoặc diesel.

“Ở Việt Nam, Metro được dịch ra thành "đường sắt nội đô, đường sắt đô thị" và đang quen dần với việc gọi, hiểu từ “Metro” là đường sắt đô thị. Tôi cho rằng, cũng nên dùng tên gọi Metro cho thông dụng, dễ hiểu, dễ nhớ. Vì mỗi tuyến Metro, chỉ cần thêm số thứ tự vào, như Metro số 1, 2... sẽ dễ nhận diện. Sau này, tại các lối xuống của ga ngầm chỉ cần chỉ dẫn với một từ M để chỉ dẫn cho hành khách”, ông Ân nêu ý kiến.

Ông Ân cũng cho rằng, việc phân định quá rạch ròi, chi tiết tên gọi của loại hình đường sắt là không cần thiết, không mang lại lợi ích thiết thực và gây nhiễu thông tin cho hành khách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.