Tài chính

Việt Nam đang dự trữ bao nhiêu ngoại hối?

18/09/2019, 15:10

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang được cho là ở mức kỷ lục từ trước tới nay.

img
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang được cho là ở mức kỷ lục từ trước tới nay. Ảnh minh họa

Theo Báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ mới nhất của Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán SSI (SSI Retail Research), dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, ước tính khoảng 70 tỷ USD, sau 2 đợt mua vào ngoại tệ rất lớn là đợt 4 tháng đầu năm và đợt từ tháng 7 đến nay.

Trước đó, theo số liệu chính thức được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng công bố hồi tháng 6/2018 tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, dự trữ ngoại hối quốc gia là 63,5 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục tại thời điểm đó. Tính cả năm 2018, lượng ngoại tệ bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối là hơn 6 tỷ USD.

Đến cuối năm 2018, trong báo cáo thị trường tài chính năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt khoảng 12 tuần nhập khẩu.

Trong thời gian tới, theo SSI Research, dự trữ ngoại hối quốc gia có cơ hội tăng lên khi có nhiều yếu tố thuận lợi. Đơn cử, cán cân thương mại tháng 8/2019 thặng dư 3,43 tỷ USD. Đây cũng là mức thặng dư kỷ lục tính theo tháng trong nhiều năm qua. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, tặng dư cán cân thương mại đạt 5,1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, đến hết tháng 8/2019 đã có 11,96 tỷ USD vốn FDI được giải ngân. Vốn đầu tư gián tiếp cũng tích cực sau loạt thương vụ bán vốn cổ phần của các thương hiệu lớn như Vietcombank, Vingroup… hay các đợt phát hành trái phiếu quốc tế của một số ngân hàng và doanh nghiệp lớn.

Thêm vào đó, kiều hối dự báo từ nay tới cuối năm cũng sẽ rất khả quan. Trong 8 tháng đầu năm, lượng kiều hối qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 3,65 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2019, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM sẽ đạt 5,6 tỉ USD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận định của SSI Research, đây là cơ sở để ổn định tỷ giá. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có cơ sở để hướng các chính sách điều hành sang mục tiêu giảm lãi suất do chỉ số CPI đến tháng 8 vẫn khá thấp so với mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% Quốc hội đề ra năm 2019.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.