Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh Việt Nam quan ngại về hành động triển khai tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam |
Hôm nay, trả lời Báo Giao thông về phản ứng của Việt Nam trước thông tin của một số kênh truyền hình và hãng thông tấn nước ngoài liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ngày 19/02/2016, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh:
“Việt Nam hết sức quan ngại về các hành động nói trên của Trung Quốc. Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó.
Ngày 19/02/2016, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Cùng ngày, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cũng đã có công hàm gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc nói trên”.
Đây là lần thứ hai trong hơn một tháng qua, Việt Nam gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối các hoạt động của Trung Quốc. Trước đó, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối Trung Quốc đã thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 2/1/2016.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Thượng Nghị sĩ, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ John McCain cho biết, những cam kết liên tục về việc đưa tàu tuần tra ra các đảo nhân tạo không còn phát huy tác dụng khi Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không ra Biển Đông.
Đồng thời, Nghị sĩ Mc Cain cảnh báo Mỹ nên cân nhắc các biện pháp bổ sung, bắt Bắc Kinh phải trả giá đắt với hành vi của họ. "Những tuyên bố mà chúng ta vẫn cam kết về những việc cần làm để duy trì hiện trạng và thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải là chưa đủ... Cần phải có hệ thống quản lý hàng ngày mới đủ để uốn nắn hành động của Bắc Kinh, đồng nghĩa với việc chính phủ thông qua các chính sách có mức độ rủi ro mà chúng ta chưa nghĩ tới" - ông nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận