Trong một cuộc họp gần đây tại Campuchia, Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol khẳng định nước này không lơ là cung cấp thông tin về kênh đào Funan Techo cho Việt Nam, cả chính thức và không chính thức.
Ông này cũng cho biết dự án chỉ cần 5m3/s tương đương 0,053% lưu lượng sông Mekong và kênh đào này thậm chí còn góp phần giảm nhẹ lũ lụt ở miền Nam Việt Nam.
Bình luận trước tuyên bố trên của lãnh đạo Campuchia, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 9/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: "Những thông tin mà chúng tôi có được cho đến thời điểm này về dự án kênh đào Funan chưa đủ để có thể đánh giá cụ thể về mức độ tác động của dự án".
Vì vậy, như đã phát biểu, chúng tôi mong muốn phía Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ đầy đủ thông tin về dự án, tiến hành đánh giá chi tiết tác động của dự án với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong.
Đồng thời có những biện pháp quản lý chung dài hạn, bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia ven sông, quản lý sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước sông Mekong – bà Hằng nói thêm.
Hiện nay Campuchia đang đẩy mạnh thực hiện dự án xây dựng kênh đào Funan Techo.
Theo các quan chức Campuchia, việc xây dựng kênh đào sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. Một tài liệu Campuchia trình lên Ủy hội sông Mê Công vào tháng 8/2023 cho biết kênh Funan Techo sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2028.
Dự kiến, kênh đào dài 180km, rộng 100m và sâu 5,4m này sẽ nối Phnom Penh với các cảng của Campuchia trên vịnh Thái Lan. Dự án này đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep.
Trước đó, tại cuộc họp tham vấn của Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam về dự án kênh Funan Techo của Campuchia và thực hiện thủ tục tham vấn sử dụng nước của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - giảng viên, cố vấn khoa học của Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho biết những thông tin về dự án này hiện còn khá mơ hồ.
Theo ông, báo cáo của Ủy ban sông Mê Kông quốc gia Campuchia (CNMC) chỉ đề cập đến chức năng của kênh Funan Techo như một thủy lộ hay kinh giao thông thủy. Họ không khẳng định chức năng khác có phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, lấy nước sinh hoạt hay không và mức độ khai thác thế nào.
Theo nghiên cứu độc lập của ông Tuấn, kênh Funan Techo sẽ liên quan đến dòng chính sông Mê Kông chứ không phải là nhánh sông hay phụ lưu và có tác động đến ĐBSCL một cách rõ ràng.
Ông Tuấn lưu ý đến khả năng mất nước mùa khô trên sông Hậu khi đến ĐBSCL sau khi có kênh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận