Xã hội

Việt Nam làm gì để sẵn sàng hút các ông lớn công nghệ?

04/05/2024, 18:20

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng, Việt Nam đang rất nỗ lực vận động, thu hút đầu tư nước ngoài, việc các doanh nghiệp đến Việt Nam tìm hiểu và đầu tư ở quốc gia khác là chuyện bình thường.

Yếu tố chính tác động đến khả năng thu hút đầu tư

Chiều 4/5, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, báo chí quan tâm về việc thời gian gần đây có một số lãnh đạo các tập đoàn công nghệ nước ngoài tới Việt Nam, song có thông tin các "ông lớn" này đã đầu tư ở nước khác. 

Trả lời, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đỗ Thành Trung cho biết, thu hút đầu tư nước ngoài là một trong ba đột phá mà Đại hội đảng xác định từ đầu nhiệm kỳ. Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực vận động, thu hút nhất là các ngành hấp dẫn hiện nay như bán dẫn.

"Các doanh nghiệp đầu tư không chỉ đến Việt Nam mà còn đến rất nhiều quốc gia khác nên việc họ đến Việt Nam đầu tư ở đây hay nơi khác là việc bình thường", ông Trung nói.

Việt Nam làm gì để sẵn sàng hút các ông lớn công nghệ?- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung (Ảnh: VGP).

Theo ông Trung, có ba yếu tố chính tác động đến khả năng thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam.

Trước hết là yếu tố khách quan như tình hình địa chính trị - kinh tế thế giới, khu vực và Việt Nam; xu hướng đầu tư và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu; các vấn đề về an ninh.

Yếu tố chủ quan là từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư, bao gồm: chiến lược, mục tiêu phát triển; đánh giá mức độ phù hợp và ưu tiên đối với địa bàn đầu tư, kinh doanh; nguồn lực và khả năng triển khai.

Cuối cùng là các yếu tố liên quan đến sự sẵn sàng của Việt Nam trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, bao gồm: thể chế; cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực.

Hiện nay Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt để nâng cao ba yếu tố trên. Ở thể chế, chúng ta đã đạt được bước tiến tích cực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ưu đãi hấp dẫn cho các công ty công nghệ trong các ngành như bán dẫn, tập đoàn công nghệ.

Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng các ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã và đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ đang được tập trung đầu tư đồng bộ, hoàn thiện.

Quy hoạch và kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII cũng đã được Thủ tướng phê duyệt, bảo đảm ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới phát triển năng lượng bền vững.

Song song với đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và các khu công nghệ cao đã được đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và có các cơ chế, chính sách ưu đãi - hỗ trợ, sẵn sàng các điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp vào hoạt động.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn.

Có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Hà Nội, các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như Viettel, VNPT, CMC…

Đồng thời, Bộ KH&ĐT đang xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, đảm bảo cung cấp 50.000 kỹ sư chất lượng cao phục vụ ngành bán dẫn đến năm 2030.

Các tập đoàn nước ngoài đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ 

"Một trong những yếu tố được các tập đoàn đánh giá cao là sự quyết tâm của chính phủ trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn", ông Trung nói và cho biết thêm Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài có cam kết mạnh mẽ đặc biệt là Hoa Kỳ để đầu tư, kinh doanh trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn tại Việt Nam.

Thời gian gần đây, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn công nghệ lớn.

Trong ngành bán dẫn, ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành này của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ đầu tư, hợp tác cụ thể tại Việt Nam, tiêu biểu như: Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip bán dẫn…

Gần đây, Tập đoàn NVIDIA đã thăm Việt Nam và cam kết hợp tác về AI và bán dẫn. Các khả năng hợp tác bao gồm xây dựng các trung tâm siêu tính toán tại Việt Nam, đào tạo nhân lực cho AI và công nghiệp bán dẫn, phát triển hệ sinh thái cho nghiên cứu phát triển và khởi nghiệp về AI.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.