Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu
Sáng kiến của Việt Nam luôn được đánh giá cao
Ông đánh giá như thế nào về thị trường ASEAN đối với du lịch Việt Nam trong thời gian qua?
ASEAN là một trong những thị trường, đối tác quan trọng nhất của du lịch Việt Nam. Trong năm 2019, khách từ ASEAN tới Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt, chiếm khoảng 11,6% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Các thị trường nguồn lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN năm 2019 bao gồm: Malaysia (đạt 606.206 lượt, chiếm 3,4% tổng lượng khách), Thái Lan (đạt 509.802 lượt, chiếm 2,8% tổng lượng khách), Singapore (đạt 308.969 lượt, chiếm 1,7% tổng lượng khách), Campuchia (đạt 227.910 lượt, chiếm 1,3% tổng lượng khách).
Nếu tính cả các nước đối tác chính (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga) thì thị trường nguồn ASEAN và các nước đối tác chính chiếm khoảng 77,5% tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam năm 2019. Vì vậy, hợp tác đa phương trong khuôn khổ ASEAN đóng vai trò quan trọng trong hợp tác quốc tế về du lịch của Việt Nam.
Cụ thể, Việt Nam đã và đang tham gia hợp tác du lịch trong khối ASEAN ở mức độ nào, vai trò đóng góp ra sao?
ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác đa phương du lịch Việt Nam tham gia sâu rộng và có hiệu quả nhất. Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác du lịch song phương với tất cả các nước thành viên ASEAN. Nhiều chương trình hợp tác ngắn hạn, cụ thể đã được ký và thực hiện hiệu quả; một số chương trình hợp tác dài hạn như hợp tác trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch với Thái Lan, Campuchia, Lào, hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch tàu biển với Singapore và Philippines, sản phẩm du lịch đường sông với Campuchia và Lào,... đã được hình thành.
Mới đây nhất, Việt Nam đã đăng cai nhiều phiên họp, sự kiện du lịch lớn trong ASEAN, tiêu biểu là Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019 tại Hạ Long. Trong khuôn khổ sự kiện, Hội chợ Du lịch quốc tế TRAVEX 2019 đã thu hút hơn 450 gian hàng từ 10 quốc gia thành viên và các đối tác, cùng hàng nghìn hãng truyền thông quốc tế.
Trước đó, theo phân công, thời gian qua, Việt Nam đã đảm nhận vai trò đầu mối, chủ trì một số nội dung quan trọng như Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến Quảng bá Du lịch ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Đánh giá, Giám sát và Nguồn lực du lịch ASEAN, Phó Chủ tịch Ủy ban phát triển du lịch bền vững và bao trùm ASEAN; đầu mối xây dựng sản phẩm du lịch đường sông ASEAN, có đóng góp quan trọng trong việc thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về lao động du lịch. Hiện nay, Việt Nam đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN (2020-2021).
Du lịch Việt Nam đang chủ trì 2 dự án trong ASEAN. Cụ thể đề án “Xây dựng và triển khai Chiến lược ASEAN về sự tham gia của cộng đồng địa phương và khối tư nhân trong phát triển du lịch”, đã được các Bộ trưởng Du lịch ASEAN thông qua và đang được các nước thành viên triển khai. Bên cạnh đó là dự án phát triển sản phẩm mới “Chương trình du lịch tham quan lễ hội truyền thống ASEAN”.
Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Tổng cục Du lịch là đầu mối xây dựng Tuyên bố chung về Du lịch số ASEAN, đã được các nhà Lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 37 ngày 12/11/2020.
Tất cả những ý tưởng sáng kiến phát triển du lịch do Việt Nam đề xuất đều được các nước thành viên ASEAN trân trọng đánh giá cao. Kết quả này cũng minh chứng sự trưởng thành, vai trò chủ động trong hội nhập và năng lực tham gia điều phối kết nối khai thác thị trường du lịch của Việt Nam trong ASEAN.
Hội chợ Du lịch quốc tế TRAVEX 2019 đã thu hút hơn 450 gian hàng từ 10 quốc gia thành viên và các đối tác
Chuyển đổi du lịch số thích ứng bối cảnh mới
Mới đây, Hội nghị du lịch toàn quốc cũng đã kiến nghị chuyển đổi số tài nguyên du lịch là một trong 4 bốn nhóm giải pháp nhằm phục hồi ngành du lịch hậu Covid-19. Đây có phải là hướng đi chủ động nhằm hưởng ứng Tuyên bố chung về “Du lịch số ASEAN” đã được thông qua?
Đúng vậy, Việt Nam đang thể hiện vai trò chủ động, dẫn dắt trong thị trường du lịch ASEAN.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận nghiêm túc chuyển đổi số là quá trình lâu dài công phu và tốn kém. Theo đó, từng chủ thể tham gia thị trường du lịch, từ các danh lam thắng cảnh tới doanh nghiệp tour, khách du lịch… phải tự số hóa về thông tin, hình ảnh chuyển thành dữ liệu của mình; sau đó mở khóa chia sẻ vào dòng chảy chung dữ liệu du lịch của quốc gia.
Vấn đề khi số hóa tài nguyên, mỗi chủ thể lại mất chi phí về vốn và nhân lực thực hiện. Sau khi chia sẻ ra cộng đồng thì thì quy định an toàn bảo mật ra sao, chế độ lọc xử lý thông tin liên quan như thế nào cũng là chuyện phải bàn kỹ. Chỉ khi quyền lợi của từng chủ thể được bảo đảm, tránh bị xâm hại thì họ sẽ sẵn sàng chia sẻ dữ liệu với cộng đồng.
Nếu làm được chúng ta sẽ có dữ liệu lớn về tài nguyên đầu vào du lịch, kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và các phần mềm ứng dụng…tất cả sẽ biến thành thông tin hữu ích phục vụ kết nối doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị quản lý và đặc biệt là tăng sự trải nghiệm cho khách du lịch.
Với Tuyên bố du lịch số ASEAN, sau khi đã hình thành số hóa tài nguyên du lịch quốc gia, mỗi thành viên có thể mở cửa dữ liệu trong tiều vùng hay cả khối trên cơ sở tự nguyện và theo quy chế chung. Đây cũng chính là xu hướng du lịch kết nối và du lịch số trong bối cảnh hiện nay.
Sau 2 làn sóng tác động mạnh, dịch Covid-19 lại đang có dấu hiệu bùng phát vào cuối năm. Vậy khả năng hình thành các tour du lịch kết nối an toàn trong khối ASEAN liệu có khả thi không thưa ông?
Xây dựng hành lang du lịch kết nối an toàn là điều hoàn toàn có thể nếu quyết tâm và có cách làm bài bản. Trước hết cần, xác định những điểm đến, thị trường an toàn, kiểm soát riêng từ hệ thống vận tải tới khu nghỉ dưỡng…ngay cả khi phát sinh ca bệnh mới cũng có khâu xử lý điều trị khép kín. Lý thuyết là vậy nhưng thực hiện còn phụ thuộc vào bối cảnh xã hội, chính trị và sự ưu tiên của mỗi nước khác nhau.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận