Thời sự Quốc tế

Việt Nam nói gì khi Nga rút khỏi sáng kiến ngũ cốc với Ukraine?

20/07/2023, 16:34

Ngày 20/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết bình luận của Việt Nam về việc Nga rút khỏi sáng kiến ngũ cốc với Ukraine.

Tại cuộc họp báo thường kỳ, trước câu hỏi của báo chí về phản ứng của Việt Nam khi Nga tuyên bố rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Liên quan đến tình hình giữa Nga và Ukraine, tôi muốn nhắc lại lập trường của Việt Nam từ trước tới nay đó là Việt Nam luôn quan tâm theo dõi chặt chẽ diễn biến xung quanh tình hình xung đột Nga - Ukraine".

img

Kể từ tháng 8 năm ngoái, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã cho phép khoảng 32,9 triệu m3 tấn thực phẩm được xuất khẩu qua đường biển từ Ukraine (Ảnh: AP).

Bà Hằng khẳng định: Việt Nam mong muốn các bên đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào thúc đẩy đối thoại tìm kiếm giải pháp để sớm ổn định tình hình vì hoà bình ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Trước đó, ngày 17/7, ngay sau khi xảy ra vụ tấn công cầu Crimea khiến hoạt động đi lại qua cầu bị gián đoạn, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ra tuyên bố, các thỏa thuận ngũ cốc qua Biển Đen đã chấm dứt. Nga sẽ chỉ quay lại thỏa thuận này khi tất cả các bên liên quan thực hiện các bước đã nêu trong thỏa thuận.

Ông Peskov nhấn mạnh, các bên ký kết thỏa thuận ngũ cốc này vẫn chưa tôn trọng một số điều đã được các bên ký kết.

Thỏa thuận này có tên chính thức là Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được ký vào tháng 7/2022 do Liên hiệp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do chiến sự Nga - Ukraine.

Thỏa thuận đã được gia hạn 3 lần. Lần gia hạn gần đây nhất có hiệu lực từ ngày 18/5 và kéo dài trong 2 tháng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.