Đây là một phần nhận định của người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khi trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam liên quan đến việc Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển.
Bà Hằng cho biết: Liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán và rõ ràng của mình, cả trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương.
Theo đó, Việt Nam luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng
"Nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa đề nghị các Bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, có đóng góp tích cực và thực chất nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tính toàn vẹn của UNCLOS và trật tự dựa trên luật lệ”, bà Hằng nhấn mạnh.
Cách đây 2 ngày, Cục Đại dương, các vấn đề khoa học và môi trường quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố nghiên cứu dài 47 trang về các ranh giới biển.
Trong đó, báo cáo khẳng định Trung Quốc không có bất cứ cơ sở nào trong Công ước Quốc tế về luật biển (UNCLOS) để đưa ra yêu sách trên Biển Đông.
Báo cáo nêu rõ: “Không có điều khoản nào trong Công ước Quốc tế về luật biển (UNCLOS) có chứa cụm từ “quyền lịch sử” đồng thời không có cách hiểu thống nhất về ý nghĩa cụm từ này trong luật quốc tế”.
“Bất cứ yêu sách liên quan tới các quyền như vậy đều phải tuân theo quy định trong Công ước bao gồm tôn trọng khu vực (vùng đặc quyền kinh tế), biển cả”, cũng theo nội dung báo cáo.
Báo cáo dài 47 trang còn bác bỏ yêu sách của Trung Quốc với hơn 100 thực thể trên Biển Đông với lý do các thực thể này vốn sẽ bị chìm khi thủy triều lên và theo luật quốc tế thì không thể tuyên bố chủ quyền ở các thực thể như vậy.
Báo cáo nhấn mạnh, tình trạng pháp lý của tất cả các thực thể phải được đánh giá dựa trên “trạng thái tự nhiên”.
“Những hành động bồi đắp, cải tạo đất của con người làm thay đổi hiện trạng tự nhiên sẽ không thể biến đổi thực thể đó thành thành đảo”, cũng theo nội dung văn bản.
“Những yêu sách đó sẽ làm suy yếu nghiêm trọng pháp quyền ở các đại dương và nhiều điều khoản của luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước”, nghiên cứu có viết.
Khi thông báo công bố nghiên cứu trên, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Bắc Kinh “dừng các hoạt động mang tính ép buộc và phi pháp” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận