Sáng nay, 2/7, Bộ NN-PTNT tổ chức cuộc họp về giải pháp sử dụng vaccine, chế phẩm sinh học trong phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tại đây, GS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết các nhà khoa học Việt Nam đã phân lập được tế bào PAM để sản xuất vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi, đang nghiên cứu nhân chủng virus lên số lượng lớn.
Cụ thể, bà Lan cho biết, với đề tài nghiên cứu vaccine vô hoạt thế hệ mới phòng dịch tả heo châu Phi, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm tại 3 trại heo bị bệnh thuộc 3 hộ gia đình khác nhau ở Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình.
Kết quả cho thấy, toàn bộ 16/18 heo nái và 15 heo thịt của 3 hộ gia đình này đều sống khoẻ mạnh sau hơn 2 tháng, một số heo nái đã đẻ và heo con khoẻ mạnh. Trong khi những con heo không được tiêm vaccine thì đều chết vì dịch tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên, bà Lan cũng nhấn mạnh, trên đây mới là kết quả khả quan ban đầu, cần thêm thời thời gian để khẳng định hiệu quả trên diện rộng, trước khi nghiên cứu để đưa vào sản xuất đại trà. “Học viện Nông nghiệp vẫn cần tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm trên diện rộng hơn.
Đơn vị này mong muốn được đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm cấp III, và đề nghị nhóm nghiên cứu chuẩn bị sản xuất từ 300-500 liều vaccine để phục vụ thí nghiệm”, bà Lan cho biết.
Thực tế, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện 100 năm qua. Các nhà khoa học trên thế giới cũng đã nghiên cứu ra 7 dòng vaccine dịch tả heo Châu Phi từ các chủng giống virus nhược độc. Tuy nhiên, việc thương mại hóa các loại vắc xin này, tới nay vẫn gặp nhiều khó khăn, do chi phí sản xuất rất cao. Chính vì vậy việc phòng bệnh cho các trang trại chăn nuôi lợn với dịch tả lợn châu Phi không được thực hiện. Mỗi khi mầm bệnh lây lan, biện pháp được áp dụng là tiêu hủy đàn lợn.
Tại Việt Nam, theo con số thống kê mới nhất, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 60 tỉnh thành với hơn 2,8 triệu con lợn bị nhiễm bệnh và tiêu hủy, chiếm khoảng 10% tổng đàn lợn của cả nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận