Hạ tầng

Việt Nam sẽ có radar cảnh báo TNGT trên đường cao tốc?

28/10/2019, 14:14

Bộ GTVT tổ chức hội thảo lấy ý kiến về ứng dụng giám sát, cảnh báo nguy cơ TNGT trên các tuyến cao tốc tại Việt Nam.

img
Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ GTVT) chủ trì và phát biểu tại hội thảo

Kích hoạt cảnh báo sự cố tiềm ẩn cho lái xe trong 10 giây

Sáng nay (28/10), Bộ GTVT đã tổ chức Hội thảo Clearway - Giải pháp cho hệ thống đường cao tốc thông minh với tâm điểm là giải pháp Clearway của Công ty Navtech Radar (Vương quốc Anh).

Ông Brain Dainton, đại diện Navtech Radar cho biết, theo nghiên cứu, sau gần 10 năm kể từ khi cao tốc đầu tiên dài 61,9km được đưa vào sử dụng (cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương), Việt Nam đang có khoảng 842km đường cao tốc trải dài trên 3 khu vực Bắc - Trung - Nam.

Tuy nhiên, theo ông Brain Dainton, đường cao tốc Việt Nam mới đẩy mạnh về số lượng (tổng chiều dài), hiện vẫn thiếu hệ thống quản lý, giám sát hiện đại để đảm trách 2 phần việc là điều tiết phương tiện tách - nhập làn và nhận biết các dấu hiệu/sự cố nguy hiểm để đưa ra cảnh báo.

“Giải pháp ClearWay là hệ thống radar dựa trên nền tảng phát hiện sự cố tự động với những tính năng như: Tự động kích hoạt cảnh báo nhanh nhất; Phân tích hành vi giao thông, phát hiện vi phạm của người điều khiển; Phát hiện xe bị dừng/chậm, sự cố tiềm ẩn ở nhiều làn đường, kích hoạt biển báo/phát cảnh báo cho người tham gia giao thông trong vòng 10 giây; Lưu trữ, cung cấp dữ liệu phục vụ công tác điều tra TNGT; Phát hiện người đi xe đạp/xe máy, chướng ngại vật trên cao tốc để phát cảnh báo kịp thời,..

Ngoài ra, hệ thống radar ClearWay có thể hoạt động trong mọi thời tiết (mưa lớn, sương khói, môi trường ánh sáng không tốt), chịu nhiệt độ từ -30 độ C đến 70 độ C; Chi phí bảo dưỡng thấp, đơn vị khai thác vận hành có thể loại bỏ nhu cầu làm sạch trong khoảng thời gian 5 năm”, ông Brain Dainton cho hay.

Cũng theo đại diện Navtech, theo tính toán, số lượng radar lắp trên cao tốc là 1 radar/1km. Suất đầu tư cho toàn bộ hệ thống bằng khoảng 1% giá trị đầu tư tuyến cao tốc.

img
Theo đánh giá, hệ thống cảnh báo thông minh trên các tuyến cao tốc tại Việt Nam vẫn thiếu đồng bộ - Ảnh minh họa

Thí điểm trước khi ứng dụng rộng rãi

Theo bà Vũ Cẩm Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Vụ KHCN, Bộ GTVT), hiện tại, trong khu vực hầm đường bộ Việt Nam đang được lắp đặt hệ thống camera giám sát (CCTV) với mật độ 110m/1 CCTV. Vì vậy, với bán kính quét có thể đạt 500m, giải pháp ClearWay có thể giúp Việt Nam tiết kiệm đáng kể chi phí lắp đặt thiết bị giao thông thông minh (ITS) trong các hầm đường bộ.

Tuy vậy, đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho rằng, trước khi đưa vào ứng dụng, đơn vị cung ứng sản phẩm cần làm rõ về khả năng tích hợp (tính mở) vào hệ thống ITS hiện có trên các tuyến cao tốc của Việt Nam.

“Đây là giải pháp dùng radar bổ khuyết những vấn đề hệ thống CCTV hiện tại chưa làm được. Vì vậy, hệ thống radar mới phải đảm bảo tính mở để đơn vị vận hành dễ dàng kiểm soát trạng thái hoạt động, bảo trì, sửa chữa, thay thế thiết bị. Thời gian bảo hành cũng cần được tường minh để các đơn vị sử dụng sản phẩm có thể so sánh, lựa chọn, tránh trường hợp thời gian bảo hành quá ngắn, tuổi thọ của thiết bị không cao, trường hợp hỏng hóc lại mất thêm chi phí đầu tư mới”, đại diện Vidifi nói.

Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN cho rằng, ClearWay là giải pháp đúng xu thế phát triển 4.0 hiện nay. Đây là giải pháp bổ sung cho vấn đề kỹ thuật chưa được giải quyết thấu đáo của hệ thống ITS hiện hữu mà các nước trên thế giới đã áp dụng, trong đó có Việt Nam.

Tuy vậy, theo ông Hà, để giải pháp này có tính ứng dụng cao tại Việt Nam, Công ty Navtech Radar cần có một báo cáo chi tiết gửi Bộ GTVT xem xét trên các khía cạnh: ưu điểm nổi trội, khả năng tích hợp với hệ thống ITS hiện có; Giá thành lắp đặt, bảo dưỡng, chi phí vòng đời để có cơ sở so sánh (trong đó tính cả phương án nếu quốc gia ứng dụng chưa đủ kinh phí đầu tư trên tất cả các tuyến cao tốc thì cần ưu tiên lắp đặt tại những đường cao tốc nào, vị trí nào?)

“Đơn vị sản xuất cũng cần chủ động làm đề xuất thời điểm nào có thể dự kiến thí điểm, đánh giá hệ thống này tại Việt Nam? Cách tổ chức ra sao; Đồng thời, phối hợp với Tedi làm việc với đơn vị phụ trách giao thông thông minh đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Ban QLDA 6 - Bộ GTVT) để đưa giải pháp ClearWay vào chương trình nghiên cứu, ứng dụng, nhất là tại các cung đường qua vùng đồi núi, nhiễu sóng”, ông Hà nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.