Kinh tế

Việt Nam sẽ là “con hổ kinh tế”, tại sao không?

12/01/2018, 07:05

“Chúng ta cần biến khát vọng thịnh vượng cho dân tộc bằng hành động cụ thể, phấn đấu trở thành “con hổ kinh tế”...

20

Thủ tướng cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018

Cơ hội tốt để cải cách thể chế

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 tổ chức ngày 11/1, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB tại Việt Nam) nhận định: Nhờ những thành tựu đã đạt được trong năm 2017, kinh tế Việt Nam đang có viễn cảnh tích cực.

Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận định: Đây là giai đoạn tốt để Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng cho những cái gọi là bất ổn trong tương lai. Lãnh đạo IMF cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam phải rất kiên định và có giải pháp khôn ngoan như giảm nợ công, chi tiêu công hợp lý. “Nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, không cần hỗ trợ từ chính sách mang tính kích thích kinh tế quá mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam phải để ý chuyển sang giải pháp mang tính trung hạn ít cực đoan”, vị này khuyến nghị.

Nhắc lại những thành tựu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2017, Việt Nam tăng trưởng 6,81%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất châu Á và toàn cầu. Đồng thời, cải cách kinh tế được đẩy mạnh, tăng cường công khai minh bạch và phòng chống tham nhũng. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và công bằng. Qua đó, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra sinh khí mới cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, nợ công của Việt Nam đến năm 2016 kịch trần 64,5% trong khi Quốc hội cho phép là không quá 65%. Năm 2017, nhờ tăng trưởng GDP 6,81%, quy mô  kinh tế Việt Nam đạt trên 5 triệu tỷ đồng nên đã kéo nợ công xuống còn khoảng 61%. Thủ tướng cho rằng đây là điều đáng mừng. “Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong trung và dài hạn. Trong đó, một thách thức quan trọng là làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, nhờ đó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, Thủ tướng nhận định.

Theo ông Ousmane Dione, thời gian tới, Việt Nam cần ưu tiên duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai là cần ưu tiên cải cách thể chế. “Đây là cơ hội tốt để thực hiện cải cách thể chế. Đó là yếu tố nền tảng để Việt Nam thực hiện thành công cải cách kinh tế”, ông Ousmane Dione nói. Bên cạnh vấn đề chất lượng hạ tầng và nhu cầu năng lượng, biến đổi khí hậu, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam nên tập trung nhiều vào đầu tư kỹ năng con người, phát triển nguồn nhân lực. “Những kỹ năng này là yếu tố tiên quyết đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện cách mạnh công nghiệp 4.0 và những phát triển trong tương lai”, ông Ousmane Dione nói.

Phải tìm câu trả lời làm gì để  trở thành một “con hổ kinh tế” mới

Với câu hỏi về các giải pháp, quyết sách tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm mà tác giả Robinson đưa ra trong tác phẩm “Tại sao các quốc gia thất bại?” là “thể chế, thể chế và thể chế”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, phải nâng cao năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển thương mại điện tử, cơ cấu lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong từng cấp, từng ngành, từng doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, địa phương, sản phẩm. Đi liền với đó là giảm chi phí tốt hơn, từ chi phí đầu tư, chi phí cho doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Một biện pháp quan trọng là chúng ta phải có một nền giáo dục quốc gia đổi mới, phù hợp với sự phát triển.

Trước câu hỏi của TS. Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright) về điều mà Thủ tướng tâm đắc nhất trong chỉ đạo, điều hành, người đứng đầu Chính phủ cho biết: Bên cạnh kết quả tích cực về kinh tế đã đạt nhiều chỉ số tốt về mặt xã hội, nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống, vấn đề bảo vệ môi trường, tỷ lệ che phủ rừng, trồng rừng được quan tâm, điều tâm đắc là năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá tăng 5 bậc trong năm 2017. Môi trường đầu tư kinh doanh tăng 14 bậc. Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 11 bậc và chỉ số tín nhiệm đối với hệ thống ngân hàng từ mức “ổn định” lên “tích cực”. Đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á. Chỉ số phát triển bền vững ở Việt Nam tăng 20 bậc. “Chúng ta hãy cùng nỗ lực biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, của dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể, tận dụng triệt để cơ hội, vững vàng vượt qua thách thức, phát huy tối đa những tiềm lực của nền kinh tế, để phấn đấu trở thành một “con hổ kinh tế” mới của châu Á. Bây giờ chưa được, nhưng tại sao lại không và luôn phải tìm câu trả lời làm gì để đạt được điều ấy”, Thủ tướng nêu rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.