Việt Nam sẽ thiếu gần 4 triệu phụ nữ vào năm 2050 |
Theo cảnh báo của Tổng cục DS-KHHGD, nếu tiếp tục duy trì tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay, đến 2050, VN sẽ thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ, trong khi hiện tại mới thiếu hụt vài trăm nghìn.
Thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ cho thấy, 50% số tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh năm sau cao hơn năm trước. Tại khu vực thành thị, tỷ số giới tính khi sinh giảm, trong khi ở khu vực nông thôn lại tăng. Hiện có 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất là: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, nếu như năm 2006, có 109,8 bé trai/100 bé gái thì đến năm năm 2013 con số này tăng lên 113,8/100 và hiện là 112 bé trai/100 bé gái. Tỉ lệ này tại Hà Nội là 114 bé trai/100 bé gái và nhận định rất khó để đưa về mức cân bằng tự nhiên.
Ông Tân cảnh báo, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, đến 2050, VN sẽ thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ, trong khi hiện tại mới thiếu hụt vài trăm nghìn. Việc gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ khiến nam giới khó lấy vợ, nhiều người kết hôn muộn, hoặc không kết hôn, làm thay đổi cấu trúc dân số, tan vỡ cấu trúc gia đình mà còn có thể kéo theo những hệ lụy về an ninh trật tự, bạo hành gia đình; một số ngành nghề sẽ bị thiếu hụt lao động như: giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá… Đồng thời, tình trạng này còn làm tăng những vấn đề về bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ gia tăng…
Theo phân tích của các chuyên gia về dân số, nguyên nhân chính của thực trạng này xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Hơn nữa, xu hướng và áp lực giảm sinh với khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con, cộng thêm tác động của các yếu tố kinh tế, phúc lợi xã hội cũng là nguyên nhân gián tiếp tác động đến thực trạng này. Từ tư tưởng trọng nam và áp lực giảm sinh khiến nhiều cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp lựa chọn giới tính khi sinh, nhất là ở những gia đình có điều kiện và học vấn cao, chỉ thích sinh con trai…
Việc giảm dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang được ngành dân số đặc biệt quan tâm, vì đây là 1 trong 3 thách thức lớn tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Theo đánh giá của ông Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bọ Y tế, thời gian qua, những biện pháp nhằm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao bởi phần lớn chỉ mới chú trọng về kỹ thuật, cấm siêu âm, chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính... Trong khi đó, biện pháp căn bản, cốt lõi cần tiếp tục kiên trì thực hiện là thay đổi được tư duy của người dân.
Do vậy, đẩy mạnh truyền thông vận động, giáo dục, thuyết phục người dân nhận thức được nguy cơ của việc mất cân bằng giới tính trước sinh để mọi người tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các trung tâm y tế công lập, các phòng khám y tế tư nhân nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi; có các chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật…
Hôm nay là Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10/2017, nhằm kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và tài chính đầu tư cho việc phát huy tiềm năng của trẻ em gái, bảo đảm quyền của các em có một tương lai công bằng hơn, thịnh vượng hơn.
8 năm trước, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố ngày 11/10 nhằm mục tiêu “công nhận các quyền của trẻ em gái và những thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt trên khắp thế giới”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận