Thời sự

Việt Nam thích ứng thế nào trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

27/08/2018, 06:21

Có rất nhiều tiên đoán, thậm chí có những con số rất cụ thể về sự thiệt hại của nền kinh tế chúng ta.

5

Ông Trương Văn Phước

Theo ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong bối cảnh hàng Trung Quốc gặp rào cản lớn vào Mỹ, nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự nhanh nhạy, linh hoạt để vươn lên nắm lấy phân khúc của thị trường, sản phẩm đó…

Tác động cả tiêu cực và tích cực

Theo nhận đinh của ông, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam là một câu hỏi khó. Bởi các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump rất khó đoán, mặc dù những mạch chủ đạo trong những tuyên bố của ông Trump từ khi vận động tranh cử đến bây giờ đều được ông thực hiện, như tuyên bố về TPP, biến đổi khí hậu, NAFTA…

Tuy nhiên, trong chiến thuật để vận dụng, ban bố các chính sách, thì lại có những thay đổi, từ thái cực này qua thái cực kia. Như với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cuối tuần qua, đại diện của Bộ Thương mại Trung Quốc đã gặp Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ để đàm phán. Một chiến lược vừa đánh, vừa đàm như thế với việc áp thuế theo lộ trình từ 34 tỷ USD lên 50 tỷ USD như thế, rồi Trung Quốc cũng đáp trả lại với số lượng tương ứng… khiến chúng ta phải rất thận trọng. Chỉ một điều mà chúng ta có thể chắc chắn, đó là thế giới, nhất là thị trường thương mại, thị trường tài chính có rất nhiều biến động. Còn tác động thế nào chúng ta phải chờ xem. Bây giờ còn quá sớm để đưa ra những phán đoán cụ thể.

Liệu có mặt tác động tích cực nào không, thưa ông?

Có rất nhiều tiên đoán, thậm chí có những con số rất cụ thể về sự thiệt hại của nền kinh tế chúng ta. Nói một cách thận trọng, đây không phải là ý kiến của riêng tôi mà của khá nhiều nhà kinh tế cho rằng có hai quan điểm khác nhau.

"Thương mại rất quan trọng, nhưng suy cho cùng thương mại cũng chỉ là một khía cạnh trong tổng thể rất nhiều khía cạnh, yếu tố để tạo nên nền kinh tế như của Việt Nam. Song, trong bối cảnh thương mại của thế giới đang có những biến động nhiều chiều và khó đoán định, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam cũng không phải theo một biến số duy nhất là thương mại. Câu hỏi hết sức căn bản của Việt Nam là chúng ta phải tăng cường nội lực, tăng cường sức cầu và tiền, tăng cường đầu tư nội địa, nhất là từ khu vực tư nhân".

Ông Trương Văn Phước

Quan điểm thứ nhất là có tác động, dù ít nhiều chưa biết. Bởi nền kinh tế Việt Nam có một độ mở khá lớn. Trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc thứ nhất và thứ nhì thế giới, những thành phần còn lại ắt hẳn bị tác động. Khi một thị trường xuất khẩu lớn của chúng ta là Mỹ có bất kỳ chính sách gì, xuất khẩu của Việt Nam, cả trực tiếp hoặc gián tiếp đều ảnh hưởng. Trung Quốc cũng là thị trường ta nhập khẩu lớn. Đây là những yếu tố khá rủi ro cho nền kinh tế của chúng ta. Đã có nhiều đơn vị, cơ quan đưa ra những tính toán bằng con số cụ thể, nhưng chúng tôi cho rằng còn quá sớm để đưa ra những dự báo, đánh giá như vậy.

Luồng quan điểm thứ hai nói rằng, giữa cái mất và được, vẫn có thể tác động theo hướng tích cực. Tích cực ở đây theo nghĩa hàng hoá Trung Quốc từ hơn hai chục năm nay gần như đổ vào thị trường Việt Nam, tạo ra một con số xuất siêu của Trung Quốc đối với chúng ta. Nhưng nếu Mỹ áp thuế từ 10-25% thì đương nhiên Trung Quốc sẽ xuất khẩu qua Mỹ ít đi. Như vậy, những nhà đầu tư ở nước ngoài vào Trung Quốc bấy lâu nay, chắc chắn muốn tìm một nơi nào đó để sản xuất, cùng với thương hiệu, chất lượng, mẫu mã đó. Và chúng ta có nhiều cơ hội đón sự dịch chuyển của những nhà sản xuất trên thế giới nói trên vào Việt Nam. Đó là một suy nghĩ mà theo tôi khá hợp lý. Bởi họ sản xuất ở Trung Quốc, bán qua Mỹ sẽ bị đánh thuế, nhưng nếu sản xuất trong nhà máy tại Việt Nam thì không!

Bên cạnh đó, có những mặt hàng Trung Quốc vào Mỹ không được do thuế cao, thì những nhà sản xuất của Việt Nam có thể nhắm vào. Những phân khúc của thị trường đó vào Mỹ, chúng ta có thể vươn lên thay thế hàng của Trung Quốc được không?...

6
Giữa cuộc chiến thương mại của hai cường quốc, Việt Nam có cơ hội đón nhận sự dịch chuyển đầu tư từ những nhà sản xuất trên thế giới (Trong ảnh: Công nhân Tổng Công ty May 10) - Ảnh: Tạ Tôn

Đất lành chim đậu

Theo ông, nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để phát huy tối đa những tác động tích cực?

Cơ  hội cạnh tranh cho Việt Nam là một bài toán muôn thuở. Bài toán này làm tôi nhớ đến câu tục ngữ của ông cha ta ngày xưa, đó là: “Đất lành chim đậu”. “Lành” ở đây là sức cạnh tranh, sự hấp dẫn của cả một thể chế, của cả một chính sách mở cửa thị trường, chính sách đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài… 30 năm đổi mới, Việt Nam phải giải bài toán cạnh tranh với các con “rồng” châu Á như thế nào… Và đến bây giờ Việt Nam đã có một kim ngạch xuất nhập khẩu với một độ mở lớn kinh tế như thế. Thì câu hỏi đó là của quá khứ, hiện tại và tương lai trong sự thích ứng, khôn ngoan của cả một chính sách. Và đó chỉ là một trong rất nhiều khía cạnh tích cực nếu đứng ở góc độ xem cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là tích cực.

Chúng ta có nên lo ngại rằng, sau Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump có thể “nhắm” đến các nước xuất siêu qua Mỹ, trong đó có Việt Nam?

Việt Nam là một quốc gia nằm trong nhóm 56 nước có xuất siêu qua Mỹ. Mà chính sách của Mỹ là phải đối sách phù hợp với các quốc gia xuất siêu qua họ. Tuy nhiên, thặng dư của chúng ta chỉ trên dưới 30 tỷ USD. Hơn nữa, thặng dư của thị trường Mỹ cũng không vững chắc vì chỉ cần thay đổi cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu thì thặng dư đó sẽ thấp xuống rất nhiều. Do đó, tôi nghĩ rằng chúng ta không lo ngại nhiều đối với những tác động trong các chính sách của Mỹ với Việt Nam. Theo như chúng tôi biết, cơ cấu xuất siêu qua Mỹ ngày một hạn hẹp hơn. Việt Nam đã mua rất nhiều hàng hoá của Mỹ trong thời gian vừa qua, như hàng chục tỷ USD cho những chiếc máy bay của VietJet, Bamboo…

Theo ông, cục diện thương mại Việt Nam - Trung Quốc có tác động không và theo hướng nào?

Về cục diện thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc, tôi cũng không cho rằng có những tác động quá lớn chỉ vì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc. Dù đó là một thực tế không tránh khỏi khi một nền kinh tế hội nhập với thế giới và đặc biệt với nền kinh tế của Trung Quốc. Song với một chính sách thương mại đa phương, tác động không chỉ giữa ta và Trung Quốc, cũng không phải tác động giữa chúng ta với ASEAN, với châu Âu, Mỹ... mà đối với cả thế giới. Đây cũng là một không gian rộng lớn hơn cho thương mại Việt Nam được uyển chuyển, được linh hoạt, thích ứng nhạy bén với những thay đổi của thế giới.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.