Doanh nghiệp

Việt Nam thiếu doanh nghiệp “đầu tàu”

06/12/2016, 08:16

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã cải thiện song vẫn còn nhiều rào cản đến sự phát triển nhanh, mạnh của DN.

10

Bộ GTVT đang tập trung nâng cao năng lực khai thác CHK Tân Sơn Nhất - Ảnh: Tạ Tôn

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2016 tổ chức ngày 5/12, đại diện các tổ chức kinh tế, tài chính, doanh nghiệp (DN) cho rằng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam dù đã cải thiện song vẫn còn nhiều rào cản đến sự phát triển nhanh, mạnh của DN.

Thủ tục ngân hàng đến... 10 thùng giấy

Ông Phạm Hồng Hải, đại diện Nhóm công tác ngân hàng (BWG) cho biết, các giao dịch liên quan đến ngân hàng như ngoại hối, chứng từ, khách hàng phải thực hiện một lượng thủ tục lớn, thậm chí có trường hợp hồ sơ nộp cho ngân hàng lên đến 10 thùng giấy. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng giải thích, các giao dịch ngoại hối liên quan đến luồng tiền vào - ra; Các tổ chức, cá nhân tham gia phải chứng minh tính hợp pháp giao dịch của mình. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng điều này tạo ra chi phí lớn cho DN, ngân hàng và cả nền kinh tế.

Ông Kenneth M.Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam (BBGV) nhận xét, mặc dù đã cải cách nhiều lần, thủ tục về thuế vẫn tốn rất nhiều thời gian của DN. Trong nhiều trường hợp, quá trình thanh tra thuế diễn ra nhiều năm sau năm tài chính, cộng với việc các quy định thường được diễn giải theo nhiều cách, thậm chí là khác nhau giữa các chi cục thuế ở các địa phương khiến DN bị phạt nặng, cộng với lãi suất cao cho những sai sót được xác định 10 năm trước đó. “Có nhiều trường hợp, do nhầm lẫn từ phía cơ quan thuế, cán bộ thuế liên tục truy thu những khoản thuế đã được DN nộp đầy đủ trước đó. Các hội viên cũng từng phản hồi trường hợp được đề nghị in bản kê khai thuế trực tuyến vì cục thuế không thể tìm thấy cơ sở dữ liệu này”, đại diện Hiệp hội DN Anh quốc cho hay.

Không hy sinh môi trường để phát triển công nghiệp

Cùng đó, ông Kenneth M.Atkinson cho biết, nhiều thành viên của BBGV cũng quan ngại về vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông và ngập lụt, đang trở nên ngày càng trầm trọng ở Việt Nam. Điều này tác động tới những người muốn chuyển gia đình đến sinh sống tại Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ông Kenneth kiến nghị Chính phủ nhanh chóng xử lí vấn đề ô nhiễm, đặc biệt ô nhiễm không khí, một cách cấp bách và không khoan nhượng.

“Việt Nam ngày nay đã chủ động có các biện pháp đối với các đối tượng gây ô nhiễm trong nền công nghiệp và làm giảm khí thải CO2, tuy nhiên hình phạt áp  dụng cho các đối tượng gây ô nhiễm còn thấp so với thu nhập của các ngành công nghiệp gây ô nhiễm”, đại diện BBGV nói và đề nghị tiếp tục nâng cao cảnh giác về các vấn đề môi trường và chọn lọc các nhà đầu tư cam kết sử dụng các tiêu chuẩn môi trường cao nhất, đặc biệt là trong xử lý nước thải và giảm khí thải CO2.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định: Việt Nam không hy sinh môi trường trong phát triển công nghiệp. “Môi trường được xem xét kỹ lưỡng khi phê duyệt các dự án công nghiệp nói chung và các dự án cụ thể”, Thứ trưởng Khánh nói.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, vấn đề môi trường trong các dự án đầu tư đã trở thành bài học không chỉ đối với Nhà nước, xã hội mà còn với cả bản thân các DN. “Các DN khi đã đặt vấn đề đầu tư tại Việt Nam đều mong muốn có chỗ đứng lâu dài và ổn định. Do vậy, bảo vệ môi trường cần đặt lên hàng đầu, đó cũng là ưu tiên của Chính phủ trong chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, cũng là yêu cầu đòi hỏi đối với mỗi DN trong đầu tư, kinh doanh”, ông Dũng nói.

Không phải nghe để biết, để đó

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định: Lực lượng DN tư nhân Việt Nam tuy đông đảo nhưng chưa đủ mạnh và chưa đạt chuẩn quốc tế để tham gia hội nhập hiệu quả. “Với tỷ lệ DN vừa và nhỏ chiếm tới 97%, tuy có sự phong phú đa dạng và giải quyết tốt vấn đề việc làm cho xã hội nhưng thiếu các DN lớn, mạnh, đủ tầm, đủ tiêu chuẩn và khả năng để dẫn dắt cuộc chơi hội nhập”, ông Dũng đặt vấn đề và nhấn mạnh: “Quan điểm của Chính phủ hỗ trợ là tạo con đường thuận lợi để đi nhưng các DN cần tự bước trên đôi chân của mình, hợp tác, hỗ trợ nhau cùng bước nhanh đến đích”.

Lắng nghe những ý kiến tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh DN Việt Nam, nhất là DN tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Khẳng định tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng DN Việt Nam chủ động, tích cực tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thông qua đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, trong đó chú trọng hình thức hợp tác công - tư (PPP); Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Để tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho các DN, Thủ tướng chỉ đạo: “Chúng ta nghe phản hồi nhưng phải có biện pháp xử lý, giải quyết đúng mức, kịp thời. Không phải nghe để biết, để đó”. Trên cơ sở đó, Chính phủ cùng cộng đồng DN lớn mạnh, Việt Nam lớn mạnh và vươn ra toàn cầu.

Trả lời các kiến nghị tại diễn đàn về các vấn đề liên quan tới tắc nghẽn giao thông, tăng cường hạ tầng hàng không..., Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Vấn đề tắc nghẽn giao thông tại TP HCM là không tránh khỏi khi đô thị hóa mạnh mẽ. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đang nỗ lực giải quyết thông qua tổ chức điều tiết giao thông, áp dụng các giải pháp giao thông thông minh để hạn chế ùn tắc.  “Chúng tôi đang nỗ lực để đưa CHK quốc tế Long Thành khai thác vào năm 2024-2025. Với CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, chúng tôi đang tiến hành các biện pháp ngắn hạn là tăng bãi đỗ, đưa công nghệ vào điều hành bay và làm tăng chuyến bay trong 1 giờ cũng như tổ chức lại dịch vụ mặt đất, nâng cao năng lực trong thời gian tới”, Thứ trưởng Đông nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.