Công nghệ mới

Việt Nam triển khai thu phí không dừng hiện đại nhất thế giới

04/02/2015, 07:09

Công nghệ thu phí không dừng RFID được đánh giá là chính xác nhất thế giới, ngay cả khi xe chạy tốc độ cao.

101

Kiểm tra vị trí kính xe trước khi dán thẻ Etag

Kỳ 1: Thu phí chính xác 99,998%

Thất bại với OBU

Đài Loan bắt đầu áp dụng thu phí tự động từ năm 2006, sử dụng thiết bị On Board Unit (OBU) do Công ty Thu phí điện tử Viễn Đông (FETC) thực hiện. Tuy nhiên, chỉ có 42,6% xe ô tô lắp đặt thiết bị OBU, chưa đáp ứng được yêu cầu 65% của cơ quan chức năng. Một phần do chi phí đắt đỏ khoảng 1 nghìn đài tệ/1 OBU (hơn 31 USD) và FETC đối mặt với nguy cơ bị cắt hợp đồng.

Năm 2011, FETC thay đổi công nghệ, chuyển sang áp dụng công nghệ định danh bằng tần số sóng vô tuyến (RFID). Sau một năm áp dụng trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam kể từ đầu năm 2014, số lượng khách hàng tăng vọt lên 94%, vượt mức đề ra. Thẻ RFID (Etag) có hình dáng như miếng decal, gắn chip cực nhỏ, dán cố định trên đèn hoặc cửa kính ô tô, với giá thành cực thấp chỉ 1,5 USD. Hiện nay, Đài Loan đang thực hiện chính sách gắn thẻ miễn phí lần đầu tiên cho tất cả ô tô cả cũ và mới. Tính đến ngày 18/1/2015, FETC có khoảng 6,06 triệu khách hàng; 80% xe ô tô mới bán ra thị trường được dán thẻ Etag.

Những thông tin trên được cung cấp tới đoàn chuyên gia của Bộ GTVT Việt Nam bởi ông Ngô Mục Phú, Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc Đài Loan; ông YC Chang, Giám đốc dự án FETC và các chuyên gia - những người trực tiếp thiết kế, phát triển công nghệ thu phí không dừng từ những ngày đầu tiên. Trong chuyến thăm ba ngày (25-28/1/2015), đoàn Bộ GTVT Việt Nam đã đi thực tế một trạm thử nghiệm và quản lý của FETC tại huyện Shulin, TP Tân Đài Bắc - nơi thiết kế, thử nghiệm hệ thống thu phí tự động của Việt Nam; thảo luận, tháo gỡ vướng mắc, khác biệt giữa hai bên về công nghệ, quy định pháp luật... liên quan đến thu phí tại trụ sở của FETC và Cục Đường cao tốc Đài Loan.

Trao đổi với các chuyên gia của Bộ GTVT Việt Nam, ông YC Chang cho biết: “Sau một năm áp dụng, Đài Loan thuê một công ty kiểm toán độc lập để đánh giá mức độ hữu dụng của hệ thống này trên gần năm triệu phương tiện đã được gắn Etag. Kết quả vượt mong đợi: Độ chính xác đạt tới 99,998% - được đánh giá chính xác nhất thế giới; tỷ lệ thu phí đạt 99,8%; cả năm xảy ra 7 lỗi hệ thống; chỉ 2-3 người phàn nàn/tháng. Thế nên, đội chăm sóc khách hàng của FETC chỉ khoảng 70 người.

102
Các đầu đọc RFID gắn trên giá long môn đặt trên đường cao tốc nhận diện từng xe riêng biệt và gửi thông tin về trung tâm điều khiển, tự động trừ tiền phí

Giảm phí để tránh ùn tắc

Để sử dụng dịch vụ này, sau khi đăng ký, thẻ Etag được gắn lên đèn hoặc kính xe qua vài thao tác đơn giản, nhanh chóng. Etag gần như “chứng minh thư”, lưu trữ thông tin về xe và chủ sở hữu. Thẻ này sẽ được các đầu đọc RFID gắn trên giá long môn đặt trên đường cao tốc nhận diện và gửi thông tin về trung tâm điều khiển, tự động trừ tiền phí. Đầu đọc RFID có thể nhận diện xe ngay cả khi xe chạy với tốc độ 140 km/h. Giá long môn được gắn thêm camera chụp lại biển số trước/sau của phương tiện, thiết bị nhận dạng phương tiện, ăng-ten để tự động thu phí trong trường hợp xe không gắn thẻ Etag.

Trao đổi với PV Báo Giao thông sau khi tận mắt chứng kiến quy trình hoạt động, cách quản lý của hệ thống thu phí không dừng tại Đài Loan, ông Hồ Trọng Vinh, Giám đốc dự án Tasco nói: “Triển khai hệ thống này sẽ giúp công khai hóa nguồn thu phí giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giảm chi phí nhân công, giảm ô nhiễm môi trường (khí thải, chi phí nhiên liệu), tiết kiệm được giấy in vé, quan trọng nhất là tiết kiệm được thời gian dừng đỗ trả phí vì thời gian chính là tiền”.

Về vấn đề thu phí người dùng, ông YC Chang cho biết: Khách hàng có thể trả phí theo rất nhiều cách: Qua thẻ ngân hàng được kết nối với thẻ Etag (hiện 43% khách hàng sử dụng phương pháp này), kết nối với tài khoản điện thoại, nạp tiền tại các cửa hàng tiện lợi hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh… Trong trường hợp thẻ hết tiền, khách hàng sẽ được nhắc nhở (qua email, tin nhắn điện thoại) và sẽ bị phong tỏa tài khoản nếu sau ba tháng không thanh toán phí. “Nếu như trước đây người tham gia giao thông trả tiền phí theo chặng, thì nay, với công nghệ Etag, tiền phí được tính theo km và được điều chỉnh linh hoạt tùy theo thời điểm, đảm bảo công bằng và rẻ hơn. Dưới 20 km, không phải trả phí; Trên 200 km, sẽ được giảm giá. Đặc biệt dịp lễ, Tết, để khuyến khích mọi người di chuyển sớm, phân tán lưu lượng xe, tránh tắc đường, phí được giảm 20% so với ngày thường”, ông YC Chang nói thêm.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về thu phí không dừng, anh Fang Yu - người dân địa phương cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên cùng nhau đi leo núi để thư giãn dịp cuối tuần do đó luôn phải sử dụng đường cao tốc. Trước kia, chúng tôi liên tiếp phải dừng đỗ xe tại các trạm thu phí, nay xe có thể chạy liền mạch thông suốt nên tới nơi rất nhanh”. Một tài xế khác nói, “từ khi có hệ thống thu phí này, việc đi lại trên đường cao tốc thuận tiện và nhanh hơn rất nhiều”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.