Thị trường

Việt Nam vượt Trung Quốc - Mỹ, dẫn đầu tiềm năng thu hút FDI

03/12/2018, 20:54

Việt Nam dẫn đầu 21 nền kinh tế APEC 2 năm liên tiếp, vượt Trung Quốc, Mỹ, Australia... về tiềm năng thu hút FDI.

vbf-viet-nam-fdi-vu-tien-loc

Việt Nam dẫn đầu 21 nền kinh tế APEC 2 năm liên tiếp, vượt Trung Quốc, Mỹ, Australia... về tiềm năng thu hút FDI.

Họp báo trước thềm Diễn đàn VBF 2018 chiều nay (3/12), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng thời là đồng chủ tịch VBF cho biết, cuộc khảo sát do hãng PwC thực hiện với 1.189 lãnh đạo doanh nghiệp tại 21 nền kinh tế thuộc Diễn dàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hồi tháng 11 vừa qua tại Papua New Guinea cho thấy Việt Nam giữ vị trí hàng đầu 2 năm liên tiếp về địa điểm dự kiến thu hút FDI.

Tiếp theo là các nước Trung Quốc, Mỹ giữ vị trí thứ 3, thứ 4 là Australia.

“Điều này như một tin vui đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm nay”, ông Lộc thông báo.

Ông Lộc cho hay, một trong những lý do khiến đất nước hơn 90 triệu dân trở thành điểm đến hàng đầu là bởi niềm tin, sức sống của các hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh thể chế, nỗ lực mở cửa là điều đặc biệt quan trọng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam ngoài những thách thức từ căng thẳng thương mại thì cũng có những cơ hội lớn nhờ vào sự dịch chuyển đầu tư toàn cầu.

Ông Lộc cũng dẫn số liệu hơn 1/3 nhà đầu tư Mỹ đã hoặc đang có ý định chuyển ra khỏi Trung Quốc và tìm các địa điểm lân cận, trong đó có Việt Nam.

Để thu hút các nhà đầu tư này, theo ông Lộc, chìa khoá cơ hội nằm ở những nỗ lực cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Tomaso Andreatta - đồng chủ tịch VBF cho biết, Việt Nam đang trong quá trình thích ứng với sự thay đổi của thương mại toàn cầu. Theo đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc tập trung nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề mới, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề môi trường, chỉ số thương mại bền vững...

"Việt Nam đang có triển vọng tốt nhưng phải tính đến yếu tố bền vững", ông Tomaso lưu ý.

Tham nhũng cũng là một vấn đề quan trọng được vị này đặt ra. Theo quan sát của ông, Chính phủ Việt Nam đã xử lý tốt vấn nạn tham nhũng, tuy nhiên, ông cũng kỳ vọng nạn này sớm bị loại bỏ hoàn toàn.

Ngoài ra, đồng chủ tịch VBF cũng đề cập đến các vấn đề liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ, môi trường kinh doanh... tại Việt Nam. Ông cho biết những vấn đề này đều được đặt lên bàn nghị sự của VBF sáng mai (4/12) với chủ đề "Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.