Xã hội

Viết trên cánh sóng biển Trường Sa, Hoàng Sa

21/06/2016, 10:04

Không đơn giản như tác nghiệp trên đất liền, mỗi chuyến tác nghiệp cùng sóng đảo Hoàng Sa, Trường Sa...

13

PV Nguyễn Đông tác nghiệp trước sự đe dọa của tàu Trung Quốc (Ảnh nhân vật cung cấp)

Không đơn giản như tác nghiệp trên đất liền, mỗi chuyến tác nghiệp cùng sóng đảo Hoàng Sa, Trường Sa luôn khiến cánh phóng viên báo chí nhớ hơn bao giờ hết. Tay gõ chữ lênh đênh theo từng con sóng, mỗi chữ viết ra đều thắm đượm vị mặn mòi của biển đảo quê hương.

Mỗi con chữ đều thấm vị mặn mòi của biển

Vừa kết thúc chuyến ra Trường Sa theo Đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đi trao quà tặng quân và dân trên quần đảo, nhà báo Nguyễn Chiến Thắng - Báo Quân đội nhân dân chia sẻ, so với điều kiện tác nghiệp trong đất liền, phóng viên tác nghiệp ở Trường Sa vất vả hơn bội phần. Cánh phóng viên ảnh, quay phim truyền hình lúc nào cũng phải vác trên vai máy ảnh, máy quay rất nặng, lại cứ phải tất tả chạy trước, lùi sau dưới chang chang nắng gắt. “Vất vả nhất có lẽ là phóng viên ảnh Nguyễn Ngọc Hà của TTX Việt Nam, phóng viên ảnh Nguyễn Ngọc Tuấn và quay phim Nguyễn Ngọc Linh của Trung tâm Thông tin Điện lực... Với những dụng cụ tác nghiệp mà chúng tôi vẫn gọi vui là “cục sắt” nặng trịch, họ hầu như không bỏ sót bất kỳ sự kiện nào, dù trong phòng họp hầm hập nóng hay dưới trời gay gắt nắng. Quần áo hiếm khi ở trạng thái khô ráo, mái tóc lúc nào cũng bết lại và khuôn mặt luôn nhễ nhại mồ hôi”, anh Thắng kể.

"Điều tôi lấy làm vui nhất, chính là khi đi làm giấy khai sinh hay xin cho con đi học. Vô hình trung, cái tên Trường Sa, Hoàng Sa được nhắc đến, mọi người đều biết đó là phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam". Nhà báo Nguyễn Đông

Anh Thắng nói, mọi người trong đoàn vẫn thường động viên: “Anh em phóng viên là những người vất vả nhất vì luôn phải đi trước - về sau”. Bởi thế, hình ảnh cánh phóng viên lại lụi cụi với máy tính, máy ảnh, máy quay để sao chép dữ liệu, dựng tin, dựng bài và lụi cụi xếp hàng chờ chuyển tin, bài, ảnh, hình qua vệ tinh về tòa soạn… là những hình ảnh vô cùng đáng nhớ.

Lần đầu đến với đảo Trường Sa vào tháng 5/2016, nhà báo Hồ Huệ - báo Hải quan nhớ nhất những buổi gặp gỡ chứa chan tình cảm và khi chia ly lại bùi ngùi xúc động với các chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Những cái ôm, những giọt nước mắt, những vần thơ, tiếng hát mang bao tình cảm từ đất liền đến với những chiến sỹ giữa điệp trùng biển khơi sẽ mãi là một hình ảnh đẹp khó phai trong cuộc đời làm báo.

Đi cùng với đoàn công tác của Tổng cục Hải quan, nhà báo Hồ Huệ kể ngay khi vừa đến đảo, một lãnh đạo Tổng cục đã nói với anh em trong đoàn: “Ở trên đảo, nước ngọt là máu, các thành viên của đoàn không rửa tay, chân khi lên đảo, ngay cả việc uống nước cũng cần cân nhắc”. Thế nhưng theo lời kể của chị Huệ, có những điểm đảo, ngay khi xuồng cập bờ kè đảo, mọi người đã thấy có những chậu nước được để dành cho khách rửa tay, nhưng tất cả mọi người trong đoàn đều ý thức được sự quý giá của từng giọt nước ngọt nơi đây nên không ai dùng những chậu nước ấy.

Đến các điểm đảo ở Trường Sa, nữ nhà báo cho biết ấn tượng nhất, và cũng ám ảnh nhất với việc thiếu nước ngọt trên đảo. “Tôi nhớ, từng thành viên trong đoàn thực sự xúc động và cảm phục các chiến sỹ khi nhìn thấy từng vạch bút phân định lượng nước được dùng cho mỗi chiến sỹ là 3 lít/ ngày cho mọi hoạt động sinh hoạt. Khó khăn, gian khổ là thế nhưng trên gương mặt mỗi chiến sỹ vẫn ánh lên nét rắn rỏi, lấp lánh những ánh mắt sáng ngời”, chị Huệ chia sẻ.

Trong các buổi giao lưu văn nghệ, nữ phóng viên báo Hải quan cho biết thực sự cảm động khi thấy trong tiếng nói cười rộn rã, trong tiếng hát lẫn cả tiếng sóng biển, hòa vào những giọt mồ hôi lăn dài trên trán chiến sỹ và thành viên đoàn. “Trong cuộc đời làm báo của mình, những kỷ niệm với Trường Sa sẽ là những điều đặc biệt, thiêng liêng nhất đối với tôi”, nữ nhà báo tâm sự.

Những kỷ niệm không bao giờ quên

Hai chuyến công tác ra quần đảo Hoàng SaTrường Sa để lại cho nhà báo Nguyễn Đông báo điện tử VnExpress những kỷ niệm nhớ đời.

Tháng 1/2013, anh Đông là phóng viên trẻ nhất của báo điện tử VnExpress được đi công tác ở Trường Sa. Đảo nổi Sinh Tồn, ấn tượng đầu tiên với cánh phóng viên là sự gần gũi, tận tình của lính đảo. Sau những cái bắt tay, anh Đông tận dụng ngay thời gian để lấy tư liệu cho những đề tài đã lên kế hoạch từ trước.

Nhưng gửi bài từ Trường Sa không dễ. Ngoài việc thủ sẵn trong balô chiếc Dcom 3G và đặt máy tính ngay dưới cột phát sóng, mỗi bài viết kèm vài bức ảnh đã nén dung lượng nhưng cũng phải mất ít nhất 2 giờ đồng hồ mới gửi được qua mail. Có khi đang gửi bài dở, đoàn lại phải di chuyển. “Lên tàu khi đang ở gần đảo, dù sóng 3G rất yếu, nhưng tôi vẫn cố gắng gửi cho kỳ được những bài viết đầu tiên của chuyến đi. Anh em phóng viên trên tàu thường đùa vui rằng, viết bài còn nhanh hơn chờ gửi về tòa soạn. Những khoảnh khắc cầm máy tính đi khắp boong tàu tìm nơi có sóng 3G tốt hơn, cùng niềm vui, háo hức khi thấy bài viết gửi về từ Trường Sa được đăng tải, khiến tôi quên đi những cơn say sóng”, anh Đông kể.

Kết thúc hành trình 25 ngày lênh đênh trên biển, anh Đông có được 24 tác phẩm về Trường Sa. Đó là những tác phẩm về chuyện lính Trường Sa gác đêm, luyện võ,… Bài viết chàng phóng viên trẻ ưng ý nhất chính là câu chuyện về cuộc sống của lính Trường Sa nơi đảo chìm. Trường Sa hôm nay đã có điện từ năng lượng mặt trời, sóng điện thoại, nhưng chân thực vẫn khó khăn bộn bề từ việc thiếu rau xanh, chia nhau 1 ca nước mỗi ngày để vệ sinh cá nhân.

Tháng 5/2014, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Là 1 trong 19 phóng viên đầu tiên giáp mặt HD981, anh Đông khẳng định đó là chuyến đi nhớ đời. “Tôi xung phong đi Hoàng Sa với mong muốn có được những thông tin từ thực địa. Nhưng chuyến đi hoàn toàn không được báo trước. Khi ra trụ sở của Kiểm ngư đóng tại Đà Nẵng làm tin trao quà ủng hộ lực lượng chấp pháp trên biển, thấy phía kiểm ngư đang lên danh sách phóng viên để bố trí tàu đưa ra Hoàng Sa, tôi chạy vội đến, không chút suy nghĩ, chỉ mong tên mình được ghi trong danh sách ấy. Khi chắc suất ra Hoàng Sa, tôi mới gọi điện về thông báo cho vợ và nhờ người nhà đưa áo quần, máy tính vì lúc đó chỉ mang theo đúng chiếc máy ảnh”, anh Đông nhớ lại.

Vừa ra đến Hoàng Sa, cách giàn khoan HD981 chừng 7 hải lý, đã xuất hiện 4 tàu Trung Quốc vây quanh, uy hiếp. Tất cả hình ảnh về sự đe dọa phi pháp, bất chấp luật pháp quốc tế của các tàu hải giám và hải cảnh Trung Quốc đều được các phóng viên ghi lại. Đến ngày 13/5, bản tin đầu tiên được anh Đông cùng hai đồng nghiệp báo Tiền phong và Người Lao động truyền về đất liền, qua điện thoại từ tàu Cảnh sát biển 8003. “Lúc đó tôi cùng những đồng nghiệp không biết tác phẩm của mình hình hài thế nào”, anh Đông nói.

“Về đất liền sau 7 ngày lênh đênh trên biển, tôi mới tin mình đã an toàn sau chuyến đi mà bất cứ tình huống nào cũng có thể xảy ra”, anh Đông tâm sự và cho biết anh đã rưng rưng xúc động khi đọc được những lời động viên, chia sẻ của đồng nghiệp, bạn bè qua Facebook. “Có người còn thẳng thắn hỏi tôi rằng, anh có ra được Hoàng Sa không, có tận mắt nhìn thấy các tàu Trung Quốc không, mà ghi dưới tên tác giả rằng “Tường thuật từ Hoàng Sa”. Tôi hiểu rằng hơn lúc nào hết, bạn đọc đang cần biết sự thật”, anh Đông nói.

Sau hai chuyến đi, anh Đông đã có trọn bộ “sưu tập về chủ quyền” ngay trong tổ ấm nhỏ của mình tại Đà Nẵng. Đó là cô con gái đầu được anh chị đặt tên Nguyễn Ngọc Trường Sa (3 tuổi) và bé trai thứ 2 tên Nguyễn Hữu Hoàng Sa (1 tuổi). Lý giải về cách đặt tên con theo tên quần đảo, anh Đông chia sẻ: “Nhẽ ra tên con gái là Hoàng Sa nghe sẽ nữ tính hơn, và ngược lại. Nhưng tôi đặt tên con là muốn gắn với kỷ niệm của những chuyến đi. Ra Trường Sa rồi về lập gia đình, có con gái đầu, tôi đặt tên cháu theo tên đảo. Còn Hoàng Sa, mãi đến khi được đặt chân đến, dù không lên được đảo, tôi mới đặt tên cho con mình. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.