Một góc Cảng Hải Phòng |
Thêm hai cảng biển cổ phần từ tháng 7
Ông Nguyễn Hùng Việt - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cảng Hải Phòng cho biết, Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) vừa phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), cơ cấu vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành của cảng Hải Phòng. Theo đó, Nhà nước tiếp tục chiếm giữ 75% vốn điều lệ của cảng này. Số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 10,26%, cổ phần bán đấu giá công khai chiếm 11,51%. Số còn lại là cổ phần ưu đãi cho CBCNV và cổ phần bán cho tổ chức công đoàn.
Theo phương án CPH đã được Vinalines phê duyệt, dự kiến các năm 2014 - 2018, hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng đạt mức tăng trưởng 5%/năm. Riêng năm 2014, sản lượng hàng thông qua cảng dự kiến đạt 19,4 triệu tấn, đến năm 2018 đạt 23 triệu tấn, tăng 18,5% so với năm 2014. Sau khi đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và phương tiện thiết bị, thị trường ổn định, sản lượng hàng thông qua cảng có thể đạt tới 25 triệu tấn/năm hoặc cao hơn. |
Trước đó, Vinalines đã quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp để CPH cảng này. Cụ thể, Tổng giá trị tài sản của cảng Hải Phòng được xác định là hơn 4.320 tỷ đồng, bằng 201% so với tổng giá trị theo sổ sách. Trong đó, tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 3.269 tỷ đồng, bằng 261% so với tổng giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo sổ sách.
Tại cảng Quảng Ninh, Tổng Giám đốc Bùi Quang Đạo cũng cho biết, Công ty đang tiến hành những bước cuối cùng, chuẩn bị cho ngày bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Mức giá trị doanh nghiệp mà Vinalines đã phê duyệt cho cảng này là hơn 622 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 500 tỷ đồng. “Phương án CPH cảng Quảng Ninh cũng đã được hoàn thành và đang trình HĐTV Vinalines phê duyệt” - ông Đạo bổ sung.
“Nếu không có gì thay đổi, cảng Hải Phòng tổ chức IPO vào ngày 15/4/2014. Ngay sau đó, vào trung tuần tháng 6, cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc sẽ tổ chức đại hội cổ đông lần đầu và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ 1/7/2014” - ông Việt khẳng định.
Còn cảng Quảng Ninh, dù chưa được phê duyệt phương án CPH, song ông Đạo khẳng định sẽ IPO vào trung tuần tháng 5, tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu một tháng sau đó và cũng chuyển sang hoạt động theo mô hình mới cùng ngày với cảng Hải Phòng.
Đã tìm được cổ đông chiến lược
Theo thông tin riêng của Báo Giao thông, đến thời điểm này, HĐTV Vinalines đã phê duyệt cổ đông chiến lược của cảng Hải Phòng là Ngân hàng TMCP Công thương VN (Vietinbank). Trước đó, ông Nguyễn Hùng Việt cho biết, cổ đông chiến lược của cảng phải đáp ứng yêu cầu khá khắt khe. Cụ thể, phải là nhà đầu tư trong nước hoạt động trong lĩnh vực đường biển, kinh doanh thuộc lĩnh vực có hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng, kinh doanh dịch vụ logistics, quản lý và khai thác cảng biển, tài chính, ngân hàng… Ngoài ra, cổ đông này phải có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng, đồng thời, vốn chủ sở hữu tối thiểu 700 tỷ đồng. Cùng đó, đơn vị phải có lợi nhuận sau thuế dương trong 3 năm liên tiếp và không là nhà đầu tư chiến lược, cổ đông sáng lập, cổ đông lớn sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên tại bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng nào tại khu vực miền Bắc.
Về giá khởi điểm, theo ông Việt, cảng Hải Phòng đang cân nhắc hai mức giá 12.100 đồng/cổ phần hoặc 13.500 đồng/cổ phần. Phía cảng Quảng Ninh, doanh nghiệp này hiện vẫn đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo bằng mọi cách phải tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược để có thể CPH thành công. “Cổ đông chiến lược không nên chỉ thuần túy là ngân hàng mà có thể là các hãng tàu, chủ hàng” - Bộ trưởng gợi ý.
Trên thực tế, không phải không có những e ngại về khả năng thành công khi đấu giá cổ phiếu cảng biển ra công chúng bởi theo kế hoạch, thời gian tới nhiều nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước sẽ được đưa ra công chúng đầu tư thông qua CPH. Trong bối cảnh hiện nay, để hấp thụ hết nguồn vốn này là điều không hề dễ. Song, cũng phải thấy rằng thị trường chứng khoán không phải là điều kiện duy nhất quyết định sự thành công của các cuộc chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng. Chính triển vọng từ nội lực của doanh nghiệp mới quyết định được sự thành bại của các đợt IPO.
Phát biểu chỉ đạo về công tác tái cơ cấu, CPH doanh nghiệp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng không ít lần nhấn mạnh: CPH không phải là bán cao hay bán thấp để kiểm thặng dư vốn mà quan trọng nhất của CPH là chuyển đổi hình thức của doanh nghiệp, thay đổi về bản chất công tác quản lý. Trước đây là Nhà nước độc quyền quản lý, sau CPH, các cổ đông sẽ tham gia quản lý. Mệnh lệnh hành chính sẽ ít đi và chuyển sang hoạt động theo quy luật của cơ chế thị trường.
Thanh Bình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận