Tiên phong đến thị trường mới
Sau đại dịch Covid-19, nhận thấy nhu cầu giao thương giữa Việt Nam với các nước tăng mạnh, Vietjet đã nghiên cứu nhu cầu thị trường, tìm kiếm cơ hội, đối tác, nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để thực hiện được chủ trương mở các đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ, Việt Nam và Kazakhstan.
Tim Pallas, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Đầu tư bang Victoria hoan nghênh quyết định của VietJet khai thác các đường bay nối Việt Nam với Melbourne. Ảnh: Tài Nguyễn
Theo đại diện Vietjet, Ấn Độ là thị trường tiềm năng với dân số lên đến hơn 1,4 tỷ người, nhu cầu di chuyển cao, đặc biệt thích hợp với các hãng bay chi phí thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân.
Đường bay thẳng của hãng hàng không này kết nối các thành phố trọng điểm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc đến Mumbai, New Dehli, Ahmedabad và các thành phố lớn khác của Ấn Độ. Điều này đã thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu du lịch, công tác, thăm thân không chỉ giữa hai nước mà còn giữa Ấn Độ với các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á và châu Úc.
Bên cạnh Ấn Độ, cuối tháng 10/2022, Vietjet thực hiện chuyến bay đầu tiên đưa du khách Kazakhstan từ thành phố Almaty đến vùng biển Nha Trang với tần suất 2 chuyến/tuần. Hai tháng sau đó, hãng tiếp tục mở thêm đường bay thứ hai từ Nha Trang đến thủ đô Astana của Kazakhstan, nâng tổng số chuyến bay giữa hai nước lên 4 chuyến/tuần.
Đối với Vietjet, đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu sải cánh của hãng ở thị trường Trung Á, góp phần đa dạng hóa nguồn khách quốc tế hướng đến sự phát triển du lịch bền vững.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Vietjet cho biết, việc mở các đường bay quốc tế mới thể hiện sự nhạy bén và linh hoạt của hãng khi các thị trường truyền thống còn những hạn chế về tần suất khai thác và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Theo ông Sơn, Vietjet đã nhận được nhiều lời khen ngợi và đánh giá cao của các cấp lãnh đạo khi mở đường bay thẳng đến các thị trường mới như Ấn Độ và Kazakhstan - những thị trường mà nhiều thập kỷ qua chưa có hãng nào khai thác đường bay thẳng.
Vietjet khai thác chuyến bay thẳng từ Nha Trang đến thủ đô Astana (Kazakhstan), sau đường bay Nha Trang - Almaty.
Gần đây nhất, đầu tháng 2/2022, Vietjet mở bán vé cho chặng bay từ TP.HCM đến Melbourne và Sydney (Úc), chính thức cất cánh từ ngày 8/4/2023 với tần suất 3 chuyến/tuần cho mỗi điểm đến. Hãng cũng đang nghiên cứu để sớm mở thêm đường bay đến Brisbane.
Lãnh đạo Vietjet đánh giá, Úc là quốc gia có cộng đồng người Việt sinh sống, học tập và làm việc rất lớn, đem lại tiềm năng khai thác cao.
Động lực khôi phục kinh tế sau đại dịch
Sau khi Vietjet mở đường bay thẳng kết nối Việt Nam với Ấn Độ và Kazakhstan, các thành phố du lịch tại Việt Nam đã xuất hiện du khách Ấn Độ nhiều hơn, còn các đoàn hành hương người Việt đến đất Phật cũng tăng mạnh. Trong khi đó, người dân Kazakhstan và các quốc gia Trung Á cũng có thể bay thẳng tới Nha Trang. Ngược lại, người dân miền nhiệt đới có thể đến Kazakhstan ngắm tuyết rơi giữa trời đông.
Các đường bay giữa hai nước Việt - Ấn giúp tăng cường mối quan hệ giao thương, văn hóa, du lịch giữa 2 quốc gia
Tiếp viên trưởng Nguyễn Thị Duyên, một trong những tiếp viên trên chuyến bay khai trương đường bay kết nối Astana (Kazakhstan) với Nha Trang, cho biết điều khiến cô tự hào là lúc phi hành đoàn Vietjet vào nhà ga sân bay Astana.
Vì đồng phục quá nổi bật, mới lạ, các tiếp viên đã thu hút sự chú ý của những người đang có mặt tại đây. “Nhiều người giơ điện thoại chụp hình. Tôi cảm nhận được sự hứng thú và tò mò về chúng tôi, đại diện cho một hãng hàng không mới xuất hiện tại Astana”, nữ tiếp viên nhớ lại.
Trong khi đó, tiếp viên Bùi Sỹ Khiêm đã có nhiều kỷ niệm trên các chuyến bay kết nối Việt Nam với Ấn Độ. “Khách Ấn háo hức bay sang Việt Nam du lịch nên cả chuyến bay không ngủ như hành khách trên các đường bay khác. Nhiều lần, họ mời tôi nếm thử cơm cà ri khiến tôi thấy rất thú vị”, anh Khiêm chia sẻ.
Shaan Acharya là hành khách Ấn Độ đến Việt Nam du lịch cùng bạn trai. Cô cho biết trước khi hãng hàng không Việt Nam mở đường bay tới Ấn Độ, cô không có khái niệm về du lịch ở Việt Nam.
“Ở Ấn Độ, chúng tôi nói đến Đông Nam Á sẽ là Bangkok, Singpapore, Bali. Việt Nam chưa bao giờ xuất hiện trên danh sách các điểm du lịch của người Ấn. Khi đến Việt Nam, tôi nhận thấy đất nước rất thú vị, ẩm thực, văn hóa, phong cảnh... đều có nét cuốn hút riêng. Giờ có nhiều đường bay giá rẻ của Vietjet, tôi nghĩ sẽ càng ngày có nhiều người Ấn Độ đến Việt Nam hơn”, Shaan nói.
Bày tỏ sự tự hào khi Vietjet đã đóng góp vào quá trình thúc đẩy giao thương, phát triển du lịch và là cầu nối giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, ông Sơn khẳng định với hãng, đây vừa là cơ hội, vừa là thử thách để khẳng định chiến lược khôi phục và tăng trưởng đúng đắn, theo sát kế hoạch mà Ban Lãnh đạo hãng đã đề ra.
"Vietjet kỳ vọng các đường bay quốc tế sẽ là động lực để tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong năm 2023, đóng góp tích cực cho việc phát triển quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại và du lịch giữa Việt Nam với các nước nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch”, ông Sơn cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận