Chiến lược này được Vietnam Airlines đưa ra trong bối cảnh ngành Hàng không đã bước qua giai đoạn tăng trưởng nóng.
Thị trường nội địa đang tăng chậm lại
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán BVSC, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ tăng trưởng ngành hàng không mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Airbus cũng dự báo đây sẽ tiếp tục là khu vực phát triển nhanh thứ 2 thế giới với tốc độ tăng trưởng bình quân 6,2% so với mức trung bình thế giới là 4,9% trong giai đoạn 2016 - 2026.
Trong đó, Hàng không Việt Nam đang là “ngôi sao” với tốc độ tăng trưởng hành khách cao nhất trong khu vực nhờ tiềm năng về du lịch và tỷ lệ người được bay còn thấp. Giai đoạn 2008-2018, tăng trưởng ngành Hàng không Việt Nam bình quân ở mức 17,4%, cao hơn gấp đôi so với bình quân khu vực châu Á - Thái Bình Dương (7,9%).
Tuy nhiên, Hàng không Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng chậm lại trong năm 2018. Theo số liệu của Cục Hàng không VN, tổng lượt khách của toàn thị trường Việt Nam năm 2018 chỉ tăng 12,6% so với năm 2017, thấp hơn nhiều so với mức tăng của các năm trước. Đáng lưu ý, mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ thị trường quốc tế. Cụ thể, trong khi tăng trưởng lượt khách quốc tế năm 2018 vẫn đạt 20% thì con số này tại thị trường nội địa khá khiêm tốn, chỉ 6%.
Về dài hạn, các động lực chính từ bối cảnh kinh tế vĩ mô, đầu tư và du lịch vẫn có thể đảm bảo cho một bức tranh tươi sáng cho ngành Hàng không. Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao (7,08% trong năm 2018), luồng vốn FDI tích cực, và tầng lớp trung lưu ngày càng đông, khách du lịch nước ngoài ngày càng tăng. Dù không còn ở giai đoạn bùng nổ về lượt khách như 2013-2016, nhưng lượng hành khách và tốc độ luân chuyển hàng hóa đường hàng không tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực tới năm 2035, báo cáo phân tích ngành của Công ty Chứng khoán FPTS cho biết.
Thương hiệu kép bao phủ thị trường
Dù tăng trưởng của thị trường vẫn tập trung vào phân khúc dịch vụ hàng không giá rẻ, cục diện thị trường hàng không Việt Nam chưa có biến động mạnh trong năm 2018. Vietnam Airlines Group (VNA Group) với thương hiệu kép Vietnam Airlines và Jetstar Pacific vẫn chiếm gần 52% thị phần, tương ứng khoảng 28 triệu lượt hành khách. Trong đó, Vietnam Airlines tập trung vào phân khúc cao cấp truyền thống (Full Service Carrier); còn Jetstar Pacific hoạt động trong phân khúc giá rẻ, đóng vai trò như một “tấm lá chắn” bảo vệ thị phần chung trước sự cạnh tranh của các hàng không giá rẻ khác.
VNAGroup hiện khai thác 100 đường bay đến 51 điểm, bao gồm 56 đường bay quốc tế và 44 đường bay nội địa. Tính đến hiện tại, VNA Group đã khai thác trên tất cả sân bay trong nước. Thị phần khách quốc tế của Vietnam Airlines là 31%, so với 12% của VietJet.
Độ phủ đường bay và thị phần lớn, cùng với mức tăng trưởng khách quốc tế được duy trì, kết hợp với tiêu chuẩn dịch vụ 4 sao Skytrax, đội tàu bay hiện đại, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ cao (trung bình 90%) chính là “vũ khí cạnh tranh” đặc biệt đóng góp vào mức lợi nhuận trước thuế hơn 3.300 tỷ đồng của Vietnam Airlines trong năm 2018. “Tấm lá chắn” Jetstar Pacific cũng cho thấy triển vọng tích cực khi ghi nhận có lãi hơn 34 tỷ đồng trong năm vừa qua.
Cải thiện hiệu quả hoạt động
Bằng các giải pháp đồng bộ và xuyên suốt, hiệu quả hoạt động của VNA Group được cải thiện trong những năm trở lại đây, cung cấp một nguồn nội lực lành mạnh đảm bảo cho tăng trưởng bền vững. Trước hết là chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu đang giảm dần trong 3 năm trở lại đây, từ mức 9,56% năm 2016 xuống 7,61% năm 2018. Mặc dù 1,95% giảm trên doanh thu thuần là một tỷ lệ khiêm tốn về mặt tương đối, nhưng nếu xét trên tổng doanh thu 2018 thì VNA Group đã tiết kiệm được gần 1.900 tỷ đồng, tương đương 58% lợi nhuận trước thuế của cả năm 2018, là mức rất tích cực về hiệu quả hoạt động, phân tích của BVSC đánh giá.
Các tín hiệu khả quan khác bao gồm tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu năm 2018 ở mức 2,58 lần, giảm so với kế hoạch, đồng thời giảm khá mạnh so với tỷ lệ 5,13 lần năm 2015 nhờ nguồn khấu hao lớn, lợi nhuận để lại tốt và nguồn thu từ phát hành tăng vốn điều lệ. Chính sách giá vé linh hoạt giúp biên lợi nhuận được duy trì (12,61% so với 12,77% năm 2017) mặc dù giá nhiên liệu tăng mạnh so với 2017.
BVSC dự báo, trong năm 2019, VNA Group có thể đạt 2.924 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 15% so với 2018. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ Vietnam Airlines dự báo đạt 2.635 tỷ đồng, tăng 15%; trong khi Jetstar Pacific cũng sẽ tiếp tục có lãi. Với chiến lược phát triển thương hiệu kép hiệu quả, cùng hoạt động kinh doanh ổn định, đảm bảo phát triển bền vững, VNA Group hoàn toàn có khả năng đạt được sự tăng trưởng về lợi nhuận trong năm 2019 cũng như các năm tiếp theo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận